Thứ 6, 29/03/2024 12:54:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 16:48, 30/12/2015 GMT+7

Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và những điểm mới - Bài 2

Thứ 4, 30/12/2015 | 16:48:00 1,408 lượt xem

>> Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và những điểm mới - Bài 1

BPO - Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 9-6-2015 và có hiệu lực từ ngày 1-1-2016. So với Luật Măt trận Tổ quốc Việt Nam năm 1999, luật mới đã bổ sung nhiều điểm mới quan trọng. Dưới đây, Binhphuoc Online xin giới thiệu cùng bạn đọc về những điểm mới đáng lưu ý trong luật này:

* Quy định mới trong việc tham gia xây dựng nhà nước:

Cũng giống ở luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũ, luật mới cũng quy định việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tham gia xây dựng chính quyền ở các khâu: Tham gia công tác bầu cử; tham gia tuyển chọn thẩm phán, kiểm sát viên và giới thiệu hội thẩm nhân dân; tham gia xây dựng pháp luật; tham dự các kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, kỳ họp Hội đồng nhân dân, phiên họp Ủy ban nhân dân và tham gia góp ý, kiến nghị với Nhà nước. Tuy nhiên, trong luật mới đã bổ sung nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí với các nội dung sau đây: Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng biện pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí; xác minh vụ việc tham nhũng, lãng phí; xử lý người có hành vi tham nhũng, lãng phí. Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ, khen thưởng đối với người có công phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng, lãng phí. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải xem xét, trả lời yêu cầu, kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quy định của pháp luật.

* Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam:

Điều 28 đã quy định rõ quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hoạt động giám sát, như sau: Phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng chương trình, nội dung, kế hoạch giám sát; quyết định thành lập đoàn giám sát và tổ chức hoạt động giám sát theo kế hoạch hoặc khi cần thiết. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát báo cáo bằng văn bản, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung giám sát. Xem xét khách quan, khoa học những vấn đề liên quan đến nội dung giám sát. Tổ chức đối thoại để làm rõ nội dung kiến nghị sau giám sát khi cần thiết hoặc theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát.

Kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét áp dụng các biện pháp để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân; đề nghị xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Ban hành hoặc phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan ban hành văn bản về kết quả giám sát; chịu trách nhiệm về những nội dung kiến nghị sau giám sát. Theo dõi, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị sau giám sát; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân không giải quyết hoặc giải quyết không đúng quy định của pháp luật. Khen thưởng hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền biểu dương, khen thưởng người có thành tích trong hoạt động giám sát.

Về quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát: Được thông báo trước về nội dung, kế hoạch giám sát. Báo cáo bằng văn bản theo nội dung giám sát; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung giám sát; báo cáo bổ sung, làm rõ những vấn đề liên quan. Trình bày ý kiến về các nội dung liên quan thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Đề nghị xem xét lại kiến nghị sau giám sát, đối thoại để làm rõ nội dung các kiến nghị đó khi cần thiết. Tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện giám sát. Xem xét, giải quyết và trả lời những nội dung kiến nghị sau giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Thực hiện kết luận, quyết định giải quyết của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành liên quan đến những nội dung kiến nghị giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

* Hoạt động phản biện xã hội:

Về đối tượng, nội dung, phạm vi phản biện xã hội: Đối tượng phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là dự thảo văn bản của cơ quan nhà nước cùng cấp có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nội dung phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bao gồm sự cần thiết; sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tính đúng đắn, khoa học, khả thi; đánh giá tác động, hiệu quả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của dự thảo văn bản; bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, nhân dân, tổ chức. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì phản biện xã hội đối với đối tượng, nội dung quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này. Theo đề nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc quy định của pháp luật, các tổ chức chính trị - xã hội chủ trì phản biện xã hội đối với đối tượng, nội dung quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, quyền và trách nhiệm của tổ chức mình. Các tổ chức thành viên khác phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện phản biện xã hội đối với đối tượng, nội dung có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, quyền và trách nhiệm của tổ chức mình.

Về hình thức phản biện xã hội: Tổ chức hội nghị phản biện xã hội. Gửi dự thảo văn bản được phản biện đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để lấy ý kiến phản biện xã hội. Tổ chức đối thoại trực tiếp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với cơ quan, tổ chức có dự thảo văn bản được phản biện xã hội.

N.V

  • Từ khóa
14711

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu