Thứ 4, 24/04/2024 08:44:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 15:33, 12/03/2013 GMT+7

Nếu chỉ có công dân thì chưa đủ

Thứ 3, 12/03/2013 | 15:33:00 51 lượt xem

Tại Khoản 1, Điều 41 (sửa đổi, bổ sung Điều 39, Điều 61) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có ghi: 1. Công dân có quyền được bảo vệ sức khỏe; bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh.

Theo ý kiến của cá nhân tôi, nếu ghi như vậy là chưa đủ. Vì chỉ có những người là “công dân” mới có quyền được bảo vệ sức khỏe; đồng thời mới được hưởng sự bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh. Nói theo cách khác, những người chưa phải là công dân, chưa có đầy đủ quyền công dân (trẻ em, học sinh, người vị thành niên) thì đều không có quyền được bảo vệ sức khỏe. Đồng thời những người này cũng không có quyền được hưởng sự bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh.

Hơn nữa, nếu ghi như trên là không phù hợp với bản chất của Nhà nước ta, một Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Và thực tế chính sách ưu việt của Nhà nước ta từ khi ra đời đến nay là ngay cả những người bị tước quyền công dân (những người đang thi hành án phạt tù) cũng được bảo vệ về sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm và những điều kiện bình thường để họ đảm bảo duy trì cuộc sống. Không những thế, ngay tại Khoản 2 của Điều 41 lại ghi như sau: 2. Nghiêm cấm các hành vi đe dọa đến cuộc sống và sức khỏe của người khác và cộng đồng. Như vậy, giữa Khoản 1 và Khoản 2 của điều này đã có sự mâu thuẫn. Vì, “người khác” ở đây cũng có thể là “công dân” và cũng có thể chưa phải là công dân hoặc là người đã bị tước quyền công dân nên không còn là công dân.

Vì vậy, theo ý kiến của cá nhân tôi, ở Khoản 1, Điều 41 trong dự thảo cần bỏ đi cụm từ “công dân” và thay vào đó bằng cụm từ “mọi người đều”. Khoản này được viết lại như sau: Mọi người đều có quyền được bảo vệ sức khỏe; bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh.

Cũng với quan điểm trên, theo tôi thì Điều 42 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng cần được viết lại. Vì trong Điều 42 có ghi như sau: Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập. Nếu ghi như vậy thì chẳng lẽ chỉ có “công dân” mới có quyền và nghĩa vụ học tập. Còn những người chưa phải là công dân và cả những người bị tòa án tước quyền công dân thì họ không có quyền và nghĩa vụ học tập. Hơn nữa, nếu như tất cả học sinh mà không có quyền và nghĩa vụ học tập thì sẽ như thế nào? Chính vì vậy, theo tôi thì ở điều này cũng cần được bỏ cụm từ “công dân” và thay vào đó là cụm từ “mọi người đều”. Như vậy, Điều 42 sẽ được viết lại như sau: Mọi người đều có quyền và nghĩa vụ học tập.

Tại Điều 47 của dự thảo có ghi: Công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc. Phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất. Cũng xuất phát từ quan điểm trên, theo tôi ở điều này cũng cần bỏ đi cụm từ “công dân có nghĩa vụ” và thay vào đó là cụm từ “mọi người dân Việt Nam đều phải”. Vì nếu ghi như vậy thì chỉ có những người là công dân mới có “nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc”. Còn những người chưa phải là công dân thì không có nghĩa vụ này hay sao?

Trong khi đó, Đảng và Nhà nước ta đang đặt ra yêu cầu, mục đích là giáo dục tình yêu quê hương, đất nước và đặc biệt là giáo dục đức tính trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa cho thế hệ trẻ, nhất là đối với học sinh phổ thông các cấp. Và truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời nay của nhân dân ta là trung thành với Tổ quốc, không có sự phân biệt thành phần dân tộc, tôn giáo và là già hay trẻ, nam hay nữ. Vì vậy, theo tôi, Điều 47 cần được viết lại như sau: Mọi người dân Việt Nam đều phải trung thành với Tổ quốc. Phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất.

T.H (Đồng Phú)

  • Từ khóa
108184

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu