Thứ 7, 20/04/2024 13:32:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thể thao 14:48, 14/01/2016 GMT+7

Nét đẹp pencak silat

Thứ 5, 14/01/2016 | 14:48:00 267 lượt xem
BP - Pencak silat là môn võ thế mạnh của thể thao Việt Nam trên đấu trường khu vực và quốc tế. Dù không phổ biến như judo hay karatedo nhưng pencak silat đang là một trong những “mỏ vàng” của thể thao Việt Nam.

MÔN VÕ CỔ TRUYỀN CỦA QUẦN ĐẢO MÃ LAI

Quần đảo Mã Lai (gồm các nước Indonesia, Malaysia, Singapore và Brunei) là khu vực rộng lớn với diện tích hơn 2 triệu km2 và dân số trên 300 triệu người. Nơi đây được biết đến với những bãi biển dài thơ mộng, khí hậu nhiệt đới đặc trưng, ẩm thực tuyệt vời và môn võ pencak silat nổi tiếng. Ngày nay, các nhà học giả võ thuật đều khẳng định, môn võ này ra đời nhằm huấn luyện kỹ năng chiến đấu của binh lính Mã Lai nên nhiều khi còn được gọi vui là võ nhà binh.

Pencak silat là môn võ truyền thống thiên về tự vệ. Theo ngôn ngữ Indonesia, pencak có nghĩa “hệ thống tự vệ”, còn silat là “phản công”. Pencak là việc sử dụng những thao tác khéo léo, mạnh mẽ và kiên cường của cơ thể để chống lại các đợt tấn công của đối phương. Từ đó, sử dụng Silat để phản công lại đối thủ. Như vậy, pencak và silat không thể tách rời.

Lương Ngọc Trung (bên trái) đoạt HCB tại giải vô địch Pencak silat toàn quốc 2015

Do thiên về phòng thủ nên pencak silat chú trọng rèn luyện các bộ phận trên cơ thể con người, như: bàn tay, ngón tay, đầu gối, đầu, bàn chân... để có thể thực hiện động tác nhanh lẹ, cơ động. Khi thi đấu, đầu là khu vực bất khả xâm phạm, người chơi phải dùng trí thông minh để ứng phó các tình huống tấn công của đối thủ và phản công trở lại sao cho không phạm quy.

Ngoài chú trọng việc sử dụng các động tác tay chân linh hoạt, môn võ này còn đặt trọng tâm vào kỹ thuật sử dụng những binh khí, như dao, đao, kiếm, côn, trượng... cùng các vũ khí không chính thống, như dây thừng, khăn, ghế, ám khí... Dù với hình thức chiến đấu tay không hay dùng binh khí, pencak silat vẫn giữ nguyên tinh thần lấy phòng thủ để tấn công.

Ông Phan Hoàng Phú, huấn luyện viên trưởng Đội tuyển pencak silat Bình Phước cho biết: Cũng giống như các môn võ thuật khác, học pencak silat, môn sinh sẽ có cơ hội được rèn luyện tính kiên trì và sức khỏe. Bởi sự uyển chuyển, khéo léo của môn võ này sẽ cải thiện khả năng phản xạ và tự vệ của môn sinh.

PENCAK SILAT VƯƠN MÌNH RA CHÂU LỤC

Hiện pencak silat đang trở thành môn thể thao ưa chuộng trong khu vực Đông Nam Á. Từ năm 1987, pencak silat đã được đưa vào chương trình thi đấu của SEA Games. Tại Asiad 2018 sắp tới, pencak silat sẽ trở thành môn thi đấu chính thức. Môn võ này tuy mới du nhập vào Việt Nam từ năm 1989 nhưng những đường quyền gần gũi với võ cổ truyền Việt Nam và phù hợp với thể lực người Việt, pencak silat đã thu hút sự hâm mộ của nhiều người. Pencak silat hiện đã trở thành “mỏ vàng” của thể thao Việt Nam mà đỉnh cao là thành tích đoạt 12 huy chương vàng ở giải vô địch thế giới năm 2002. Tại SEA Games 23 (Philippines), dù phải thi đấu trên đất khách, pencak silat vẫn có đến 8 hạng cân vào trận chung kết và 7 lần quốc kỳ Việt Nam được kéo lên ở vị trí cao nhất.

Pencak silat du nhập vào Bình Phước từ năm 2006 bởi võ sư Trần Quốc Khánh nhưng tới năm 2015, pencak silat mới đem về cho tỉnh những “trái ngọt” đầu tiên. Tại các giải đấu lớn trong năm 2015, như: Vô địch toàn quốc, vô địch trẻ toàn quốc hay cúp các câu lạc bộ quốc gia, pencak silat đều mang về cho tỉnh những tấm huy chương quý giá. Dù chưa gặt hái được HCV nhưng đây là tín hiệu vui, đánh dấu vị thế mới của pencak silat Bình Phước trong bản đồ võ thuật Việt Nam. Hiện cả 3 vận động viên pencak silat của tỉnh là Lương Ngọc Trung, Nguyễn Ngọc Đạt và Trần Quang Hiệp đều nằm trong danh sách tuyển thủ quốc gia. “Với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, cùng sự nỗ lực không ngừng của ban huấn luyện và các vận động viên, hy vọng trong năm tới, pencak Silat sẽ “gặt vàng” về cho Bình Phước” - ông Phú chia sẻ.

Thế Tường

  • Từ khóa
101136

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu