Thứ 6, 29/03/2024 04:04:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 14:38, 11/04/2018 GMT+7

Nét đẹp nhà ở của người M’nông tại Bình Phước

Thứ 4, 11/04/2018 | 14:38:00 2,066 lượt xem
BP - Người M’nông là một trong 2 dân tộc bản địa sinh sống lâu đời ở Bình Phước, tập trung chủ yếu tại các huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập và thị xã Phước Long. Ngày nay, trong bối cảnh giao thoa, hòa nhập, nhà ở của đồng bào M’nông ít nhiều thay đổi nhưng vẫn giữ được nét đẹp riêng.

Sinh sống ở vùng cao Bình Phước, hòa mình vào thiên nhiên, người M’nông xưa làm nhà trệt từ vật liệu sẵn có trong tự nhiên như: đá, đất, lá cây, gỗ... Để nhà ở bền lâu, ổn định sinh sống, người dân xẻ từng tấm gỗ từ những cây hàng chục năm tuổi, đem ngâm dưới suối một thời gian rồi vớt lên ghép thành vách; mái nhà lợp bằng lá rừng. Nay nhà gỗ vẫn được đồng bào ưa chuộng nhưng gỗ ngày một khan hiếm nên đồng bào dùng thêm nhiều vật liệu khác, như gạch, xi măng, cát, tôn... để làm nhà.

Ngôi nhà gỗ bền đẹp đã 20 năm của gia đình anh Điểu Huế

Anh Điểu Huế ở thôn Đăng Lang, xã Đắk Nhau (Bù Đăng) cho biết: “Ngôi nhà gỗ hai tầng vợ chồng tôi đang ở được cha mẹ cho. Nghe cha mẹ nói nhà đã 20 năm tuổi. Phần tường trước sửa cách đây 4 năm, sau khi xây tường gạch lên 1m thì chúng tôi dựng gỗ. Sở dĩ sửa mặt trước để ngôi nhà trông tươi mới, sáng sủa, hiện đại hơn”. Hiện đồng bào M’nông ở Bình Phước đã làm móng nhà bằng đá, cát và xi măng, nền lát gạch, cao ráo. Ngoài lý do tránh nước mưa không tràn vào nhà, hạn chế côn trùng, rắn, rết, làm tường gạch cao khoảng 1m rồi dựng gỗ còn nhằm tránh mối, kiến ùn lên phá hỏng nhanh. Và còn bởi “Để làm được ngôi nhà gỗ, nhiều thế hệ sinh sống được phải mất khoảng 1 tỷ đồng tiền gỗ” - bà Điểu Thị Y Rang (65 tuổi), mẹ anh Huế, cho biết. Tuy vật liệu làm nhà không hoàn toàn bằng gỗ như nhiều năm trước nhưng ngôi nhà vẫn toát lên vẻ đẹp, nét riêng của đồng bào M’nông.

Ngôi nhà gỗ của hộ anh Huế qua thời gian, màu gỗ đã bạc nhưng từng tấm, từng khứa vẫn bền chắc, không chênh nhau, không một kẽ hở. Nhiệt độ trong nhà luôn mát mẻ, dễ chịu. Dưới tầng 1 là phòng khách, phòng ăn (có khu vực để nông sản tiêu, hạt điều, bắp...) và bếp ăn. Tầng 2 là chỗ ngủ, lan can. Không gian thờ được đặt tại phòng khách, vì vậy phòng khách và phòng ăn được làm rộng hơn các phòng khác. Khu vực vệ sinh, tắm giặt ngay phía sau ngôi nhà. Chuồng nuôi gia súc, gia cầm xây dựng xa nơi ở, đảm bảo vệ sinh và an toàn cho trẻ nhỏ, người già. 

Hiện người M’nông làm nhà mái rộng, không còn phủ xuống che gần hết tường như những “ổ tò vò” trước đây, mà mái chỉ phủ kín thềm, yên bình trong vườn rẫy xanh mướt. Cách làm mái rộng cũng giúp giữ mát, chống gió lùa mạnh và điều hòa không khí, giữ ánh sáng trong nhà vừa đủ. Bà con thôn Đăng Lang khẳng định: Nhà ở của dân tộc mình không bao giờ lạc hậu, là nét đẹp văn hóa của đồng bào trong mọi thời đại.

Trung Nhân

  • Từ khóa
93600

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu