Thứ 4, 24/04/2024 10:29:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:09, 13/03/2018 GMT+7

Nền y khoa ưu việt

Thứ 3, 13/03/2018 | 08:09:00 111 lượt xem
BP - Trên 700 bác sĩ và sinh viên y khoa ở tỉnh Quebec của Canada vừa viết một lá chung thư gửi chính phủ yêu cầu hủy quyết định tăng lương cho chính nghề của mình.

Nguyên nhân là do tháng 2-2018, Liên đoàn chuyên gia y tế Quebec thống nhất với Chính phủ Quebec  (Quebec là tỉnh có tư cách quốc gia trực thuộc Canada) tăng 1,4% lương hằng năm cho 10.000 bác sĩ trong tỉnh, tương đương tổng lương hằng năm sẽ tăng từ 4,7 tỷ CAD lên 5,4 tỷ CAD. Lương bình quân của bác sĩ ở Quebec hiện khoảng 400.000 CAD, tương đương 312.000 USD/năm, cao hơn khoảng 7 lần so với thu nhập bình quân đầu người của Canada. Lá thư cũng nêu điều kiện làm việc của y tá và một số vị trí trong ngành y Canada hiện rất khó khăn, việc tăng lương cho bác sĩ khiến người bệnh giảm cơ hội chữa trị do nguồn lực y tế bị giảm... Vì vậy các bác sĩ không chấp nhận tăng lương cho mình và đề nghị dành số ngân sách đó cho hệ thống y tế địa phương.

Hành động nhân văn trong câu chuyện này có lẽ khiến cộng đồng y khoa toàn cầu phải suy ngẫm, đặc biệt là với cộng đồng y khoa Việt Nam. Ở nước ta, trên các phương tiện truyền thông lâu lâu lại bùng lên đợt phản ánh lương bác sĩ thấp. Đó là những lúc xảy ra các sự cố trong phòng bệnh, chữa bệnh, khi có chủ trương tăng viện phí, tăng giá thuốc hay khi xã hội bức xúc với tệ lót tay trong bệnh viện... Thực tế không phủ nhận lương của bác sĩ nước ta thấp, đặc biệt là trong bệnh viện công. Tuy nhiên, cũng còn một thực tế nữa, đó là hiếm có bác sĩ nào cuộc sống khó khăn, nếu không muốn nói cao hơn khá nhiều so với thu nhập bình quân khoảng 2.000 USD, tương đương 44 triệu đồng/người/năm của nước ta.

Bác sĩ hay bất kỳ ai kiếm sống, tăng thu nhập hay làm giàu chính đáng bằng trí tuệ, sức lao động của mình đều được cổ vũ. Các phòng mạch, phòng khám tư còn góp phần giảm tải cho bệnh viện, là cơ sở y tế cấp cứu ban đầu tích cực cho những trường hợp khẩn cấp... Nhưng vấn đề không chỉ có vậy.

Canada, Việt Nam hay ở đâu trên thế giới, về cơ bản tổng số tiền chi cho hệ thống y tế là không đổi, bởi đều từ nguồn đầu tư của nhà nước và người dân cộng lại. Chỉ khác ở chỗ, mỗi quốc gia có cách quản lý khác nhau. Không hẳn nước giàu mới có hệ thống y tế phát triển. Điển hình như Cuba - một đất nước còn vô cùng khó khăn vì bị Mỹ cấm vận, thu nhập bình quân đầu người chỉ tương đương Thái Lan, gấp hơn 2 lần Việt Nam... Thế nhưng, nhờ có chiến lược hiệu quả, Cuba lại có nền y khoa phát triển bậc nhất thế giới và miễn phí hoàn toàn. Cuba khám sức khỏe định kỳ bắt buộc để thực hiện phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, góp phần rất lớn ngăn chặn, phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu, giảm chi phí cho hệ thống y tế. Đặc biệt, người dân Cuba được bác sĩ đến tận nhà khám sức khỏe định kỳ...

Ở hầu hết các nước, một trong số ít nghề được xã hội đặc biệt quý trọng là bác sĩ, bởi họ chăm sóc sức khỏe cho con người. Với người Việt Nam, lương y còn được ví như từ mẫu. Hiếm có bác sĩ nào vô cảm với bệnh nhân, vì họ cũng là con người, có cảm xúc và họ hiểu rõ hơn ai hết hậu quả của chấn thương, bệnh tật. Vấn đề ở chỗ, việc tổ chức hoạt động hệ thống y tế, giáo dục đạo đức và chuẩn mực xã hội tạo nên đối với người làm nghề y như thế nào mà thôi. Tương lai nền y khoa Việt Nam ưu việt và bác sĩ được người dân quý trọng có khó? Câu chuyện ở Canada và Cuba đáng để những người làm nghề y và quản lý ngành y tế Việt Nam suy ngẫm lắm thay!

Trần Phương

  • Từ khóa
108831

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu