Thứ 7, 20/04/2024 00:06:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 14:57, 02/04/2013 GMT+7

Nên tăng thời gian góp ý sửa đổi Hiến pháp

Thứ 3, 02/04/2013 | 14:57:00 56 lượt xem

Tại kỳ họp lần thứ 4, ngày 23-11-2012, Quốc hội khóa XIII đã thông qua toàn văn Nghị quyết số 38/2012/QH13 “Tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”. Theo đó, thời gian lấy ý kiến nhân dân được bắt đầu từ ngày 2-1-2013 và kết thúc vào ngày 31-3-2013.

Theo ý kiến của cá nhân tôi, với khoảng thời gian như trên là quá ngắn. Bởi vì đoạn giữa của khoảng thời gian trên rơi vào dịp tết Nguyên đán Quý Tỵ, đây là thời gian cán bộ, công chức và nhân dân nghỉ tết sau một năm lao động, nên việc đóng góp bị hạn chế cả về số lượng cũng như chất lượng ý kiến. Trong khi đó, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là công việc cực kỳ quan trọng. Hơn nữa, thực tế theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng trong hơn hai tháng qua cho thấy, các tầng lớp nhân dân trên cả nước từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược, từ Nam ra Bắc... đã và đang tích cực đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, có lập luận chặt chẽ, có lý giải thuyết phục về mọi vấn đề được nêu trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Cụ thể là trong tất cả những điều mới và cũ của bản dự thảo và ngay cả phần “Lời nói đầu” đều có nhiều ý kiến đóng góp.

Với tinh thần sôi nổi, tích cực, trách nhiệm, nghiêm túc, tâm huyết và hết sức phong phú về ý kiến nên việc tổng hợp ý kiến đóng góp của đông đảo nhân dân đối với các cấp, các cơ quan chức năng không thể tiến hành nhanh chóng. Chính vì vậy, tôi đề nghị kéo dài thời gian lấy ý kiến để phát huy dân chủ và tập hợp được trí tuệ của toàn dân, nếu tuân thủ theo kế hoạch như hiện nay thì khó có thể tiếp nhận được hết.

Ý kiến thứ hai của tôi trong bài viết này là về phần “Lời nói đầu”. Như các đồng chí, các bạn đã thấy, phần “Lời nói đầu” của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có 448 từ, tuy đã ngắn gọn hơn so với Hiến pháp năm 1959 (có 1.282 từ), Hiến pháp năm 1980 (1.712 từ) và Hiến pháp năm 1992 (534 từ), nhưng vẫn dài và gần gấp đôi so với “Lời nói đầu” của Hiến pháp năm 1946 chỉ có 241 từ. Hơn nữa, trong “Lời nói đầu” của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có 448 từ nhưng đã ba lần nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Là người Việt Nam thì không ai có thể phủ nhận công lao vĩ đại của Đảng và Bác Hồ đối với dân tộc, nhưng chỉ với lời nói đầu của Hiến pháp mà đã lặp đi lặp lại như vậy thì có nên chăng? Do đó, theo ý kiến của cá nhân tôi thì ở phần “Lời nói đầu” có thể gọn hơn nữa, trên cơ sở nghiên cứu Hiến pháp năm 1946.

Ý kiến thứ ba là tại Điều 2 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có ghi: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức... Theo ý kiến của cá nhân tôi thì ghi như vậy là đúng nhưng e rằng chưa đủ. Vì đất nước ta là một quốc gia đa dân tộc, với 54 thành phần dân tộc anh em cùng chung sống và còn có gần 4 triệu người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài. Bên cạnh đó, ngày nay Đảng ta đã và đang thực hiện đường lối đổi mới và đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh thì viết như trên xem ra có sự phân biệt.

Vì vậy, theo ý kiến của cá nhân tôi thì ở Điều 2 cần bỏ từ “và” ở sau cụm từ “giai cấp nông dân”, đồng thời thay vào đó bằng dấu phẩy và bổ sung cụm từ “và khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Như vậy, ở Điều 2 được viết lại như sau: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ý kiến thứ tư là tại Khoản 1, Điều 15 (sửa đổi, bổ sung Điều 50) trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp có ghi: 1. Ở nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền con người, quyền công dân được Nhà nước và xã hội thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Theo ý kiến của tôi thì ghi như vậy cũng đúng nhưng thừa, làm cho điều khoản này dài thêm mà không cần thiết. Cụ thể, vì ai cũng biết đây là Hiến pháp của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do đó không cần thiết phải ghi ở đầu của khoản này là “Ở nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, mà nên bỏ cụm từ này. Lý do thứ hai là Hiến pháp không chỉ điều chỉnh đối với công dân Việt Nam ở trong nước, mà còn đối với người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài có quốc tịch Việt Nam và lợi ích của quốc gia ở nước ngoài.

Vì vậy, Khoản 1, Điều 15 được viết lại như sau: Quyền con người, quyền công dân được Nhà nước và xã hội thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.

Kim Ngọc (Đồng Xoài)

  • Từ khóa
108193

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu