Thứ 5, 18/04/2024 14:40:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:39, 13/10/2018 GMT+7

Nâng tầm hạt gạo Việt Nam

Thứ 7, 13/10/2018 | 08:39:00 169 lượt xem
BP - Hội nghị gạo thế giới lần thứ 10 khai mạc tại Hà Nội ngày 11-10 thu hút sự quan tâm của giới truyền thông quốc tế và các nhà xuất, nhập khẩu, hoạt động thương mại về gạo hàng đầu thế giới. Dịp này, Bộ Công Thương đã phối hợp Hiệp hội Lương thực Việt Nam tổ chức Hội nghị quốc tế gạo Việt Nam vào chiều 10-10. Việc tổ chức thành công hội nghị thế giới về gạo sẽ nâng tầm và tạo thêm nhiều cơ hội cho hạt gạo Việt Nam vươn ra thị trường thế giới.

Việt Nam xếp thứ 6 trong 10 nước có đất trồng lúa lớn nhất thế giới với hơn 7,76 triệu ha, chiếm 52,5% tổng diện tích trồng trọt cả nước. Những năm qua, nhờ áp dụng các biện pháp khoa học nên năng suất cây lúa tăng cao, không chỉ đáp ứng an ninh lương thực quốc gia mà còn là nguồn hàng xuất khẩu mang về nhiều ngoại tệ. Để hướng tới mục tiêu xuất khẩu gạo bền vững, Việt Nam đã đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất lúa gạo, sản xuất gắn với thị trường; từng bước nâng cao và ổn định chất lượng gạo xuất khẩu, đáp ứng đòi hỏi khắt khe của các thị trường nhập khẩu về chất lượng, an toàn thực phẩm. Nhờ đó, xuất khẩu gạo của nước ta liên tục tăng cao. Năm 2015 đạt 4,045 triệu tấn, 2016 là 3,393 triệu tấn. Đặc biệt, năm 2017 Việt Nam đã xuất khẩu 5,79 triệu tấn gạo, với giá trị 2,62 tỷ USD, tăng 20,4% về lượng và 21,2% về giá trị so với năm 2016 và xếp thứ 3 trên thế giới về sản lượng xuất khẩu. Đến giữa tháng 9-2018, cả nước đã xuất khẩu trên 4,7 triệu tấn gạo, đạt giá trị 2,38 tỷ USD. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu gạo của nước ta cũng chỉ bó hẹp ở một số khu vực, trong đó Trung Quốc là thị trường lớn nhất. Năm 2017, giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 1,03 tỷ USD, tăng 31,35% so cùng kỳ năm 2016, chiếm 39,25% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam. Philippines là thị trường xếp thứ 2, với kim ngạch 222,58 triệu USD, chiếm 33,2% thị phần và Malaysia là thị trường  đứng thứ 3. Ngoài ra, một số thị trường nhỏ khác như Iraq, Indonesia, Nam Phi... cũng nhập gạo Việt Nam nhưng hầu hết đều thiếu ổn định, bền vững. Trong khi đó, một số nước trong khu vực đang trỗi dậy mạnh mẽ, “đe dọa” thị phần xuất khẩu gạo của nước ta. Vì vậy, hội nghị lần này quy tụ trên 600 đại biểu đại diện các nhà kinh doanh, xuất nhập khẩu lúa gạo tên tuổi trên thế giới là cơ hội để quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu và mở rộng cung đường cho hạt gạo Việt Nam vươn ra “biển lớn”. Những năm qua, sản xuất lúa gạo luôn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất nông nghiệp của nước ta. Do đó, thành quả xuất khẩu gạo của nước ta có ý nghĩa rất lớn trong xây dựng và phát triển đất nước.

Ở Bình Phước, diện tích trồng lúa không nhiều, chỉ từ 13.000-14.000 ha và đang hình thành một số vùng chuyên canh cây lúa như Đăng Hà (Bù Đăng), An Khương (Hớn Quản), Lộc Khánh (Lộc Ninh), Thiện Hưng (Bù Đốp)... góp phần ổn định lương thực cho người dân trong vùng. Gạo Đăng Hà đang là thế mạnh của địa phương nhưng do chưa có thương hiệu nên không có thị trường tiêu thụ. Xã Đăng Hà có trên 1.213 ha chuyên canh lúa nước, trồng từ 2-3 vụ/năm. Trong đó, vụ đông xuân trồng 415 ha, vụ mùa trồng 799 ha. Với năng suất trung bình từ 6-6,5 tấn/ha nhưng gạo Đăng Hà mới chỉ giải quyết nhu cầu lương thực chứ chưa giúp người dân thoát nghèo bởi chưa có đầu ra ổn định. Việc tổ chức thành công hội nghị, hội thảo và xây dựng thương hiệu là giải pháp nâng tầm cho hạt gạo Việt Nam vươn ra tìm kiếm thị trường thế giới. 

 Tấn Phong

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu