Thứ 7, 20/04/2024 06:04:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:30, 25/10/2016 GMT+7

Nâng cao cảnh giác với tin tặc

N.V
Thứ 3, 25/10/2016 | 06:30:00 1,280 lượt xem
BP - Báo Dân Trí điện tử ngày 23-9-2016, có đăng bài “Nửa tỷ tài khoản người dùng Yahoo đã bị đánh cắp thông tin”. Tác giả bài báo cho biết, Tập đoàn Yahoo vừa công bố thông tin rằng đã có ít nhất 500 triệu tài khoản người dùng bị đánh cắp từ năm 2014-2016. Vì vậy, Yahoo đã đưa ra cảnh báo rằng người dùng Yahoo, trong đó có Việt Nam cần phải thực hiện việc đổi mật khẩu tài khoản ngay lập tức.

Cũng theo Yahoo, “Đây là vụ đánh cắp thông tin mạng lớn nhất từ trước tới nay”. Và vụ tấn công được cho là thực hiện bởi tổ chức có sự bảo trợ của một chính phủ trên thế giới. Những thông tin cá nhân như tên, tuổi, địa chỉ email, số điện thoại, ngày sinh, mật khẩu truy cập tài khoản và cả những câu hỏi bí mật để bảo vệ tài khoản đã bị lấy cắp. Và theo phát ngôn viên của Yahoo, các vụ tấn công dưới sự bảo trợ của chính phủ đang trở nên ngày một phổ biến hơn trong lĩnh vực công nghệ thế giới.

Thông tin trên đã thực sự gây sốc mạnh đối với cộng đồng cư dân mạng không chỉ ở Việt Nam, mà trên toàn thế giới. Bởi lẽ trong số ít nhất có 500 triệu tài khoản người dùng bị đánh cắp từ năm 2014 không một ai biết được những bí mật cá nhân nào của mình đã bị người khác biết. Và điều mà mọi người lo ngại nhất là sự việc đánh cắp bí mật thông tin cá nhân qua tài khoản Yahoo được thực hiện dưới sự bảo trợ của chính phủ một quốc gia nào đó trên thế giới. Nguy hại hơn nữa là những thông tin này rơi vào tay bọn xấu thì không có ai dám khẳng định rằng sẽ không xảy ra những vụ tống tiền xuyên quốc gia. Và sự nguy hiểm sẽ được nâng lên mức đặc biệt nếu thông tin cá nhân của những người có chức vụ hoặc các tài khoản từ những máy chủ của các cơ quan hành chính, đơn vị kinh tế hoặc tổ chức chính trị... bị rơi vào tay các thế lực thù địch hoặc được mua bán, trao đổi với những đối tượng phản động.

Vì vậy, vụ việc trên cũng là lời cảnh báo đối với mọi cán bộ, đảng viên và đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc nâng cao cảnh giác phòng chống tin tặc và bảo vệ an toàn bí mật Nhà nước. Bởi hiện nay, các thế lực thù địch, bọn phản động và các loại tội phạm thường xuyên móc nối với nhau và đang gia tăng hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước. Theo nhận định của các cơ quan chức năng, loại tội phạm này thường tập trung vào việc thu thập bí mật Nhà nước liên quan đến nhân sự, công tác tổ chức, các chủ trương, chính sách đối nội, đối ngoại của Đảng, Nhà nước... Đối với các tỉnh, thành phố, bọn tội phạm này thường nhắm vào các loại thông tin bí mật về tình hình quốc phòng - an ninh, các dự án kinh tế trọng điểm... để tìm cách phá hoại.

Điều này cho thấy, hoạt động tấn công hệ thống mạng thông tin Việt Nam của các thế lực phản động, tội phạm vẫn đang tiếp tục diễn ra nghiêm trọng. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng còn phát hiện một số dòng máy tính của một hãng sản xuất ở nước ngoài cài đặt sẵn phần mềm gián điệp có khả năng can thiệp vào các tập tin hệ thống mặc định của hệ điều hành Windows, tự động tải về tập tin, phần mềm và gửi các thông số quan trọng về máy chủ của hãng này. Đồng thời, cơ quan chức năng còn phát hiện mã độc tàng hình “USB Thief” có khả năng tấn công vào các hệ thống máy tính cách ly với internet để thu thập thông tin. Mã độc này cũng có khả năng lây lan qua USB bằng cách chèn mã độc dưới dạng bổ trợ (plugin) hoặc thư viện liên kết động vào phiên bản không cần cài đặt của các ứng dụng phổ biến như: Firefox, Chrome, Notepad... Nguy hiểm hơn là loại mã độc này được trang bị các kỹ thuật chống gỡ lỗi, chống sao chép, tự phát hiện và tạm dừng hoạt động khi trên máy tính của người dùng có cài đặt các phần mềm diệt mã độc. Và điều này cho thấy, “USB Thief” được các thế lực phản động thiết kế rất tinh vi để thực hiện nhiệm vụ tấn công các máy tính, mạng máy tính cách ly nhằm chiếm đoạt thông tin.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, thời gian qua mặc dù các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp để bảo vệ an toàn bí mật Nhà nước, nhưng tình hình lộ, lọt bí mật Nhà nước vẫn diễn biến phức tạp. Và phần lớn số vụ lộ, lọt tài liệu của các cơ quan nhà nước đều thông qua đường truyền internet (trong đó có tỉnh Bình Phước). Ở một số đơn vị, địa phương, trong quá trình thực hiện các khâu còn nhiều sơ hở, sai sót, dẫn đến nguy cơ lộ, lọt, mất thông tin, tài liệu bí mật Nhà nước. Cụ thể như: Sử dụng máy tính có kết nối mạng để soạn thảo, lưu trữ các văn bản, tài liệu có nội dung bí mật Nhà nước. Hoặc cơ quan, đơn vị chưa có quyết định phân công người làm công tác bảo vệ bí mật Nhà nước; chưa có người đảm nhận nhiệm vụ sắp xếp, thống kê, lưu trữ, bảo quản tài liệu bí mật Nhà nước đúng quy định...

Chính vì thế, tình hình lộ, lọt thông tin, bí mật Nhà nước ở một số cơ quan, đơn vị vẫn xảy ra, phổ biến là việc đăng tải tài liệu thuộc loại bí mật Nhà nước lên cổng thông tin, trang thông tin điện tử. Cụ thể có cổng thông tin, trang thông tin điện tử tồn tại lỗ hổng bảo mật mà tin tặc có thể khai thác, tấn công, kiểm soát, chiếm quyền điều khiển hoặc dễ dàng cài cắm các loại mã độc. Bên cạnh đó, công tác soạn thảo, lưu giữ, sao chụp các loại văn bản thuộc diện bí mật Nhà nước ở một số đơn vị còn tồn tại sơ hở, thiếu sót làm gia tăng nguy cơ lộ, lọt bí mật Nhà nước. Thậm chí có người sử dụng máy tính kết nối internet để soạn tài liệu mật có nội dung bí mật Nhà nước và việc làm này vô tình đã tạo ra nguy cơ lộ, lọt, dễ bị thu thập, đánh cắp bí mật Nhà nước. Tiếp đó là việc tiếp nhận, mở sổ theo dõi, thống kê quản lý, lưu trữ các văn bản, tài liệu thuộc loại bí mật Nhà nước ở nhiều đơn vị, địa phương thực hiện chưa đúng quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước.

Xin nhắc lại một lần nữa là hiện nay, các thế lực thù địch, bọn phản động đã, đang tìm mọi thủ đoạn, âm mưu để chống phá Đảng và Nhà nước ta. Chúng sẵn sàng móc nối với các loại tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm trong lĩnh vực tin học để đánh cắp thông tin và thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”. Để ngăn chặn có hiệu quả các âm mưu, thủ đoạn nêu trên, công tác phổ biến, quán triệt pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước cần được các cơ quan, đơn vị đặc biệt chú trọng quan tâm. Đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong thực thi công tác bảo vệ bí mật Nhà nước tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình quản lý.

  • Từ khóa
2531

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu