Thứ 5, 28/03/2024 15:25:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 14:27, 23/07/2013 GMT+7

Nỗ lực vươn đến con đường học vấn

Thứ 3, 23/07/2013 | 14:27:00 433 lượt xem

Vì nghèo khó nên các gia đình này đành xa quê tìm kiếm cơ hội mong đổi đời. Vì vậy về kinh tế họ có xuất phát điểm rất thấp. Nhưng mỗi thành viên trong gia đình đều vượt lên chính mình để có được những thành quả đáng trân trọng. Những đứa con ngoan, học giỏi “thi đâu đậu đó” của gia đình là niềm tự hào của người làm cha, làm mẹ nghèo mà đôi lúc người giàu không thể bỏ tiền ra mua.


Tuy đã có cuộc sống ổn định nhưng hàng ngày bà Ba Tá vẫn hăng say lao động, tham gia công tác xã hội

Những người dân sinh sống lâu năm ở khu phố 5, phường Thác Mơ (TX. Phước Long) thường nhắc chuyện nhà bà Hồ Thị Chánh (thường gọi là bà Ba Tá) mỗi khi có dịp tuyên dương khen thưởng thành tích học tập của con em mình. Họ quen với một bà Ba Tá lam lũ, gầy gò có thể làm bất cứ việc gì để có tiền nuôi con ăn học của nhiều năm về trước. Họ thương cả những đứa con của bà Ba Tá, chưa lớn tuổi kịp đã biết tự lập, tự lo cho bản thân, tương lai của mình.

Bà Ba Tá kể: “Con gái đầu mới học lớp 6 đã biết dạy kèm cho con hàng xóm, người ta thương nên hay cho gạo, rau. Con trai thứ học lớp 10, một buổi đi làm, một buổi theo mẹ vác đá thuê. 4 đứa con của tôi lớn lên không đứa nào được sung sướng bởi ngoài việc học chúng còn phụ giúp tôi làm kinh tế. Chồng bệnh, con đi học, một mình tôi chèo chống nuôi cả nhà. Có lẽ nhờ vậy, các con tôi có động lực cố gắng học tập để có thành tựu như hôm nay”.

Cũng bởi tự lập từ nhỏ nên các con của bà Ba Tá biết cách lo cho bản thân khi hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn. Con gái đầu Nguyễn Thị Thùy Trang tốt nghiệp khoa Công nghệ môi trường (Đại học Đà Lạt), con gái Nguyễn Thị Cẩm Trang tốt nghiệp khoa Công nghệ thông tin (Đại học Khoa học tự nhiên TP. Hồ Chí Minh), con trai Nguyễn Đình Lịch Sử tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh và con trai út Nguyễn Đình Bảo Long đang theo học khoa Điện tử - Viễn thông (Đại học Đà Lạt).

Các con của bà lần lượt vào đại học rồi tốt nghiệp đều nhờ nguồn vốn hỗ trợ sinh viên của Nhà nước, sự nỗ lực làm thêm của bản thân và nguồn động viên tinh thần lớn lao từ người mẹ tảo tần. Sau tốt nghiệp, các em cũng tự kiếm việc làm để phụ giúp mẹ tiếp tục lo cho em.

Từ khó khăn, mẹ con bà Ba Tá vươn lên lập nghiệp trên mảnh đất mới. Các con không chỉ học thành tài mà còn phụ giúp bà phát triển kinh tế gia đình. Hiện bà Ba Tá có 1 ha điều và 200 nọc tiêu. Mấy năm gần đây bà còn chung vốn thu mua điều. Với thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm, gia đình bà Ba Tá hiện có cuộc sống ổn định.

Bà Ba Tá tham gia nhiều công tác xã hội như cộng tác viên dân số, y tế thôn, trưởng ban công tác mặt trận, bảo vệ chăm sóc trẻ em.

Như các con bà Ba Tá, 4 người con của anh Phạm Văn Nam - chị Lương Thị Đan ở khu phố này cũng có thành tích học tập đáng nể. Anh Nam và chị Đan có 5 người con đã và đang theo học ở các trường Đại học Bách khoa, Học viện Hàng không, Học viện Hành chính, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh... Các con của họ đều ngoan, chăm học và chỉ thi lần đầu tiên là đậu. Chia sẻ về hoàn cảnh kinh tế, chị Đan cho biết: Gia đình tôi chỉ có 5 sào đất trồng tiêu xen rau các loại, bản thân tôi thu mua thêm tiêu để trang trải cuộc sống. Nhờ sự cần cù, ham học hỏi của chồng tôi nên 5 sào đất được tận dụng tối đa để làm kinh tế. Hiện tôi trồng xen rau bồ ngót, rau má, ớt hiểm, mỗi ngày thu được vài trăm ngàn đồng. Các cháu ăn học đều trên tinh thần tự lực, cùng với vốn vay hỗ trợ sinh viên của Nhà nước.

Anh Nam, chị Đan cho rằng, gia đình có được kết quả này là bởi các con ý thức được sự vất vả của bố mẹ. “Gia đình tôi từ tỉnh Ninh Bình vào đây chỉ có một cái chòi nhỏ ở nhờ nhà người quen. Chỉ có lao động mới có được thành quả. Các con tôi đã tận mắt chứng kiến, nếm trải khó khăn nên càng nỗ lực phấn đấu, lấy bố mẹ làm gương để học tập”. 

Hà Phan

  • Từ khóa
82921

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu