Thứ 7, 20/04/2024 07:54:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 06:30, 25/12/2018 GMT+7

Nam châm lá - sáng kiến giúp học sinh say mê học tập

Thứ 3, 25/12/2018 | 06:30:00 1,532 lượt xem
BP - Nhận thấy các trường tiểu học đều trang bị bảng từ và sử dụng các viên nam châm để gắn hình minh họa phục vụ giảng dạy, tuy nhiên hiệu quả mang lại chưa cao. Do vậy, cô Đỗ Thị Hằng Nga, giáo viên Trường tiểu học Lê Văn Tám, xã Nghĩa Trung (Bù Đăng) đã thực hiện sáng kiến “Sử dụng nam châm lá để thiết kế đồ dùng dạy học nội dung hình học và tính diện tích các hình học phẳng trong chương trình toán tiểu học”. Qua 2 năm triển khai, sáng kiến này đã được học sinh và giáo viên của trường hào hứng tiếp nhận, hiệu quả giáo dục mang lại rõ rệt. Sáng kiến của cô Nga đã được công nhận đạt cấp tỉnh.

Cô Đỗ Thị Hằng Nga và các học trò trong tiết học toán dùng nam châm lá

Cô Nga cho biết: Nội dung phần hình học môn Toán ở bậc tiểu học khó, trừu tượng. Để hỗ trợ môn học này, giáo viên được trang bị các hình ảnh in trên giấy, làm bằng nhựa cứng, có hoặc không gắn nam châm, do vậy khi sử dụng giáo viên sẽ phải dùng keo dán giấy lên bảng, hoặc cài thêm nam châm mất thời gian, thẩm mỹ, không tiện dụng. Các hình làm bằng nhựa cứng dễ bị cong vênh, rơi, màu sắc đơn điệu (chỉ có 3 màu: đỏ, xanh, vàng), đồ dùng nhỏ, số lượng ít. Để khắc phục hạn chế này, cô Nga đã dùng những miếng nam châm lá để thiết kế đồ dùng dạy học. Nam châm lá có tính chất: mềm, dẻo, dễ cắt, dán, ghép hình trên mặt bảng từ, kể cả khi bảng bị cong vênh, lồi lõm; có thể kẻ, vẽ trên bề mặt và xóa đi vẽ lại. Nam châm lá bán phổ biến trên thị trường với giá rẻ. Tùy theo yêu cầu của từng bài giảng mà giáo viên có thể cắt dán được rất nhiều hình ảnh, trong đó cơ bản là các hình: tròn, vuông, tam giác, chữ nhật, thoi, bình hành... với nhiều kích thước khác nhau, nhằm giới thiệu cho học sinh nhận biết một cách dễ dàng. Để tính chu vi, diện tích các hình, học sinh trực tiếp dùng thước kẻ, ê-ke, compa để đo các cạnh, góc trên hình nam châm, từ đó rút ra công thức tính, so sánh và nhận xét mối quan hệ giữa các hình với nhau, nhờ vậy tiếp thu bài nhanh, ghi nhớ lâu, hạn chế việc nhầm lẫn. Ví dụ: Muốn tính chu vi hình vuông, giáo viên sẽ cắt, dán hình vuông bằng nam châm lá lên bảng, học sinh sẽ dùng thước đo chiều dài của 4 cạnh. Chiều dài 4 cạnh bằng nhau nên có thể lấy số đo một cạnh nhân với 4. Tương tự với các hình khác, học sinh có điều kiện thực hành trực quan sinh động. Với sáng kiến này, tiết học trở nên nhẹ nhàng, giáo viên không cần phải giảng giải nhiều mà học sinh tiếp thu bài sâu hơn. Các em tự tìm hiểu để lĩnh hội kiến thức và nắm bắt một cách dễ dàng, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp giáo dục, phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động. Học sinh cũng có thể tự làm đồ dùng học tập của mình, góp phần mang lại hiệu quả cao.

Sáng kiến này không chỉ phù hợp với dạy hình học phẳng mà còn tiện ích trong việc dạy cộng, trừ đối với học sinh lớp 1 và cả các môn Địa lý, Lịch sử trong chương trình lớp 5. Nhờ vào nam châm lá, các bài giảng về những trận đánh trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc được mô tả cụ thể hơn, nhất là với các điểm nhấn về hình ảnh như: hướng tấn công hay phòng thủ, vị trí chiến lược hay kho lương thực, vũ khí... Trong môn Địa lý, nam châm lá cũng giúp học sinh dễ nhận biết ký hiệu về tài nguyên khoáng sản...

Cô Nga chia sẻ: “Với những tiện ích và hiệu quả của nam châm lá, tôi muốn sáng kiến này được phổ biến rộng rãi trong toàn tỉnh, nhất là các trường tiểu học vùng đồng bào dân tộc thiểu số, sâu, xa, biên giới. Bởi nam châm lá được bán rộng rãi trên thị trường, rất dễ mua. Mỗi bộ đồ dùng cho một lớp khoảng từ 120-150 ngàn đồng, rẻ và hiệu quả hơn nhiều so với việc dùng máy chiếu hoặc tivi như hiện nay”.

Cô Nguyễn Thị Xâm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Văn Tám cho biết: Năm học 2017-2018, sáng kiến dùng nam châm lá của cô Nga được dạy thử nghiệm. Hội đồng sư phạm của trường tổ chức dự giờ, đánh giá hiệu quả giáo dục tốt, dụng cụ gọn nhẹ, độ bền cao, sử dụng tiện lợi, thao tác chính xác, đặc biệt phù hợp với mô hình trường học mới (VNEN). Hiện mỗi giáo viên của trường đã tự mua nam châm và thiết kế cho mình một bộ giảng dạy phù hợp yêu cầu kiến thức từng lớp. Ngoài ra, thư viện của trường cũng đã thiết kế cho mỗi khối một bộ để trưng bày hoặc sử dụng khi cần thiết.

Hiệu trưởng Nguyễn Thị Xâm nhận xét: “Cô Nga là giáo viên tâm huyết với nghề, quá trình công tác luôn cầu tiến và đạt nhiều thành tích. Đây là sáng kiến thứ 2 của cô được công nhận đạt cấp tỉnh. Trước đó, cô Nga có sáng kiến: Một số biện pháp phối hợp giữa giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh, giúp học sinh lớp 1 học tốt môn Tiếng Việt theo công nghệ giáo dục. 6 năm liền là chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; năm học 2017-2018 đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; 2 năm cô được UBND tỉnh tặng bằng khen. Cô Nga có lối sống chan hòa, được đồng nghiệp và họ sinh yêu mến”.

Quang Minh

  • Từ khóa
88366

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu