Thứ 6, 29/03/2024 08:24:23 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 07:24, 19/02/2014 GMT+7

Năm 2014, cao su Lộc Ninh phấn đấu thu mua 10.000 tấn mủ cao su tiểu điền

Thứ 4, 19/02/2014 | 07:24:00 281 lượt xem

Mới đi vào hoạt động 3 năm nhưng Ban thu mua mủ của Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh (cao su Lộc Ninh) đã trở thành mô hình cho các đơn vị thành viên trong Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) học tập kinh nghiệm, nhằm ổn định giá mủ cao su nguyên liệu và bảo vệ uy tín thương hiệu cao su Việt Nam trên thị trường thế giới…


DẪN ĐẦU TẬP ĐOÀN VỀ
SẢN LƯỢNG THU MUA

Năm 2013, Ban thu mua  công ty đã thu mua mủ cao su tư nhân đứng chân trên địa bàn được 9.810 tấn, đạt 109% chỉ tiêu kế hoạch, tương đương ¾ sản lượng toàn công ty. So với năm 2012, việc thu mua mủ của cao su Lộc Ninh cao hơn 58% (tăng 3.476 tấn). Cao su Lộc Ninh là đơn vị dẫn đầu tập đoàn trong thu mua mủ. 

Tổng giám đốc công ty Nguyễn Đức Tín tặng giấy khen cho Ban thu mua và Nhà máy chế biến Lộc Ninh

Năm 2014, cao su Lộc Ninh duy trì và phấn đấu thu mua đạt 10.000 tấn để tăng doanh thu, hỗ trợ cao su tư nhân và ổn định giá cao su trên địa bàn, từng bước mở rộng mạng lưới thu mua, giảm dần các khâu trung gian.

Ông Lê Minh Châu, Phó tổng giám đốc VRG cho rằng, các đơn vị thành viên phải nhanh chóng học tập mô hình Ban thu mua mủ cao su tư nhân của cao su Lộc Ninh để đẩy nhanh sản lượng thu mua. Từ năm  2014, Ban chỉ đạo thu mua mủ cao su tiểu điền của VRG sẽ tham mưu lãnh đạo thành lập cơ sở pháp lý cho thu mua mủ nước tại các công ty.

Trước đó, Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa có mô hình thu mua mủ tư nhân đạt hiệu quả kinh tế cao trong nhiều năm. Từ học tập kinh nghiệm thu mua mủ tư nhân của cao su Phước Hòa, cao su Lộc Ninh đã thành lập Ban thu mua đóng tại nhà máy chế biến. Với phương thức thu mua minh bạch, uy tín theo sát giá thị trường bảo đảm có lợi cho nhà vườn nên năm 2012 công ty đã thu mua đạt trên 6.000 tấn mủ, chiếm 50% sản lượng khai thác của toàn công ty. Năm 2013, diện tích cao su tư nhân đưa vào khai thác tăng nhanh, kinh nghiệm và uy tín thu mua mủ của công ty ngày càng được khẳng định đã thu hút thêm nhiều công ty tư nhân, trang trại đứng chân trên địa bàn 2 huyện Lộc Ninh, Bù Đốp ký hợp đồng mua bán mủ dài hạn.


BẢO ĐẢM LỢI ÍCH NHÀ VƯỜN VÀ DOANH NGHIỆP

Ông Nguyễn Văn Long, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh cho biết, công tác thu mua mủ cao su tư nhân của công ty luôn bảo đảm có lợi cho nhà vườn, minh bạch về giá với tinh thần hỗ trợ cao su tiểu điền, ổn định giá cao su nguyên liệu tại địa phương. Tuy nhiên, trong năm 2013, một số doanh nghiệp chế biến mủ cao su tư nhân trên địa bàn đã có văn bản gửi Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) kiện cao su Lộc Ninh về việc thu mua mủ tư nhân ở 2 huyện Lộc Ninh, Bù Đốp. VRA đã có văn bản trả lời thỏa đáng cho các doanh nghiệp: Việc thu mua mủ của Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh bảo đảm tính cạnh tranh thị trường, không có hiện tượng phá giá.

Năm 2013, các đơn vị thành viên của VRG thu mua đạt 57.640 tấn mủ cao su tư nhân, đạt 111,23% kế hoạch. Dẫn đầu là cao su Lộc Ninh, xếp thứ 2 là Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (6.000 tấn). Theo tính toán mỗi tấn mủ thu mua lãi 2 triệu đồng. Năm 2014, VRG tăng 30% kế hoạch thu mua, tương ứng 70 ngàn tấn, chiếm 20% sản lượng của toàn tập đoàn. Chủ trương của VRG là bảo đảm tính cạnh tranh giá mủ mua vào không thấp hơn giá bán để khấu hao nhanh đầu tư các nhà máy, thêm việc làm cho công nhân và hỗ trợ cao su tư nhân...

Nhờ đẩy mạnh công tác thu mua theo chỉ đạo của VRG, năm 2013 cao su Lộc Ninh nâng sản lượng chế biến lên 22.670 tấn, cao nhất từ trước đến nay. Theo đó, công ty đã phát huy tối đa công suất dây chuyền chế biến nên chỉ trong năm 2013, Nhà máy chế biến Lộc Ninh đã tiết giảm chi phí chế biến trên 5 tỷ đồng. Mặc dù sản lượng chế biến tăng đột biến nhưng chất lượng các chủng loại sản phẩm của cao su Lộc Ninh đều đạt và vượt mục tiêu chất lượng đề ra. Cao su Lộc Ninh với các lợi thế về mủ khối, đặc biệt là mủ li tâm, mủ tờ và luôn chủ động sản xuất theo nhu cầu thị trường để có hợp đồng mua bán dài hạn với khách hàng truyền thống như Michelin (mủ tờ), Edgepoint, VRG Khải Hoàng (mủ li tâm)... Thị trường xuất khẩu chủ yếu là châu Mỹ, châu Âu và ủy thác xuất khẩu. Nhờ đó, trong hoàn cảnh thị trường khó khăn do khủng hoảng kinh tế nhưng năm 2013 giá bán bình quân của công ty vẫn đạt 51,1 triệu đồng/tấn, đồng thời hỗ trợ cho công tác thu mua với sản lượng lớn.  

 Phương Hà

  • Từ khóa
37149

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu