Thứ 4, 24/04/2024 04:10:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 14:49, 19/03/2016 GMT+7

Hiệu quả từ tổ hợp tác nuôi dê

Thứ 7, 19/03/2016 | 14:49:00 304 lượt xem
BP - Hiện mô hình chăn nuôi dê nhốt chuồng trên địa bàn tỉnh không hiếm. Nhưng với người dân đội 6, thôn Bù Gia Phúc I, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập thì đây là mô hình mới, hiệu quả kinh tế cao. “Từ 1 hộ nuôi dê năm 2013, đến nay phát triển lên 8 hộ, quy mô hơn 250 con, trong đó có 3 hộ vươn lên thoát nghèo bền vững” - ông Hoàng Văn Khiêm, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân đội 6, thôn Bù Gia Phúc I cho biết.

Anh Đậu Văn Tuấn phấn khởi vì đàn dê của gia đình dễ nuôi, phát triển nhanh

Sau hơn 10 năm gắn bó với nghề nuôi dê ở thôn Tân Lợi, xã Tân Thành (Bù Đốp) nhưng vì khan hiếm thức ăn nên năm 2013 anh Lê Văn Hùng (SN 1971) phải tìm vùng đất mới để duy trì và phát triển đàn. Vùng đất mà anh Hùng chọn để dừng chân là đội 6, thôn Bù Gia Phúc I. Dù địa bàn khá xa, giao thông khó khăn nhưng bù lại nơi đây đất rộng, thức ăn cho dê dồi dào, là điều kiện thuận lợi để phát triển đàn. Anh Hùng cho biết, so với các loài vật khác thì nuôi dê đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Thức ăn của dê là cỏ, lá cây các loại và phụ phẩm nông nghiệp. Dê ít bệnh, vào thời kỳ giao mùa chỉ bị cảm cúm, sổ mũi, cho uống thuốc là khỏi. Dê sinh sản rất nhanh, mỗi năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 1-3 con; trung bình mỗi dê cái có thể sinh từ 15-17 lứa. Dê con nuôi 4 tháng có trọng lượng từ 20-30kg/con là có thể bán thương phẩm với giá từ 90-100 ngàn đồng/kg; dê cái giống có trọng lượng từ 40-50kg/con bán với giá từ 120-150 ngàn đồng/kg. Hiện gia đình anh Hùng có 13 dê mẹ, mỗi năm thu gần 100 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn thu khoảng 40 triệu đồng từ bán phân dê.

Từ mô hình nuôi dê của hộ anh Lê Văn Hùng, năm 2014 UBND xã Phú Nghĩa thành lập Tổ hợp tác nuôi dê tại đội 6, thôn Bù Gia Phúc I. Ban đầu tổ hợp tác có 4 thành viên, trong đó hộ anh Hùng là thành viên nòng cốt, đi đầu hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, chọn giống, tìm đầu ra cho các thành viên trong tổ. Đến nay, tổ hợp tác phát triển lên 8 thành viên.

Là hộ nghèo, năm 2012, gia đình anh Nguyễn Văn Nam được xã hỗ trợ 1 con bò giống, nhưng sau hơn 2 năm bò không sinh sản nên anh tham gia tổ hợp tác và chuyển đổi nuôi 4 con dê cái giống. Sau 2 năm, đàn dê phát triển lên 30 con, giúp gia đình anh Hùng thoát nghèo. Là hộ cận nghèo, thiếu vốn sản xuất, năm 2014 anh Hồ Phan Đại tham gia tổ hợp tác và được xã hỗ trợ 2 con dê cái giống. Đến nay, đàn dê của gia đình anh Đại phát triển lên 14 con. Nay hộ anh đã thoát nghèo bền vững.

Năm 2014, khi tham gia tổ hợp tác, hộ nghèo Nguyễn Văn Nin được gia đình anh Hùng bán trả chậm 5 con dê cái giống và 1 con dê đực giống, đến nay đã phát triển lên 38 con. Hiện hộ anh Nin đã có dê thương phẩm bán trả hết nợ và vươn lên thoát nghèo.

Chưa có kinh nghiệm nhưng thấy mô hình nuôi dê của các hộ trong tổ đem lại hiệu quả kinh tế cao nên tháng 8-2015, anh Đậu Văn Tuấn tham gia tổ hợp tác. Anh Tuấn đầu tư 35 triệu đồng làm chuồng trại và mua 5 con dê cái giống, 1 con dê đực giống về nuôi. Chỉ sau hơn 1 năm, đàn dê của gia đình anh Tuấn phát triển lên 23 con, trong đó đã bán được 3 con thương phẩm. Anh Tuấn chia sẻ: “Lúc đầu, tôi chưa biết gì về nghề nuôi dê, nhất là lúc dê bị bệnh, sinh sản nhưng được anh Hùng và thành viên trong tổ truyền đạt kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc nên dần thành thạo”.

Ông Hoàng Văn Khiêm cho biết thêm: Hiện đội có 114 hộ, trong đó chỉ còn 4 hộ nghèo, 1 hộ cận nghèo, giảm 2 hộ nghèo và 2 hộ cận nghèo so với đầu năm 2015. Trong đội có rất nhiều hộ muốn phát triển nghề nuôi dê nhưng lại không có người chăm sóc. 

V.T

  • Từ khóa
40167

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu