Thứ 7, 20/04/2024 18:27:42 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 00:00, 19/08/2011 GMT+7

Gian nan công tác bảo vệ rừng ở Lộc Thành

Thứ 6, 19/08/2011 | 00:00:00 441 lượt xem

Lộc Thành là xã duy nhất của huyện Lộc Ninh còn diện tích rừng nguyên sinh. Toàn xã có 5.591 ha rừng và đất lâm nghiệp do Ban quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết quản lý, trong đó 3.200 ha là rừng di tích lịch sử Tà Thiết. Công tác bảo vệ rừng tự nhiên, lịch sử ở xã Lộc Thành còn nhiều khó khăn do chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ rừng, đơn vị nhận khoán, các lực lượng khác với chính quyền địa phương...

Phá rừng làm rẫy và lấy cắp lâm sản diễn biến phức tạp ở rừng di tích lịch sử Tà Thiết

Chủ tịch UBND xã Lộc Thành Lê Hồng Khanh cho biết: Bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng được Đảng ủy, UBND xã xác định là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong toàn hệ thống chính trị. Theo đó, UBND xã xây dựng phương án, kế hoạch thực hiện công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng để trình UBND huyện phê duyệt làm căn cứ thực hiện. Ban bảo vệ rừng của xã đã xây dựng kế hoạch hoạt động cho từng giai đoạn và từng thời điểm thích hợp để kết hợp cùng chủ rừng và các ngành chức năng, góp phần giảm thiểu tình hình vi phạm lâm luật. Tuy nhiên, trên thực tế tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng vẫn diễn ra phức tạp hằng ngày, hằng giờ ở Lộc Thành. Những năm gần đây, giá cao su, hồ tiêu và củ mì tăng cao đã làm nhiều hộ dân trong xã và các xã lân cận muốn chiếm rừng để có đất sản xuất. Trong quá trình các doanh nghiệp tổ chức tận thu lâm sản, nhiều đối tượng đầu nậu lợi dụng việc khai thác hợp pháp để qua rừng di tích lịch sử Tà Thiết cưa gỗ lấy cắp trái phép.

Theo báo cáo của Chi cục kiểm lâm Lộc Ninh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Lộc Ninh xảy ra 60 vụ vi phạm lâm luật, giảm 32 vụ so với cùng kỳ năm 2010. Các vụ việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng chủ yếu xảy ra trên phạm vi rừng tự nhiên Tà Thiết, trong đó phá rừng lấn đất làm rẫy gây thiệt hại 27 ha rừng tự nhiên...

Vấn nạn phá rừng lấy gỗ và phá rừng lấy đất đã làm thay đổi trạng thái rừng tự nhiên nguyên sinh của khu di tích Tà Thiết. Đặc biệt, trong quý II-2011, phá rừng và lấn chiếm đất rừng có tổ chức đông người nổi cộm xảy ra ở 2 tiểu khu 214, 216. Vụ phá rừng này đã lôi kéo người dân của 5 xã Lộc Thành, Lộc Khánh, Lộc Điền, Lộc Quang, Lộc Phú tham gia đã làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của Lộc Thành, cũng như các xã có người tham gia vụ việc. Khi phát hiện, UBND xã đã báo cáo Huyện ủy, UBND huyện xin ý kiến chỉ đạo giải quyết. Xã thành lập 1 đội tuyên truyền đặc biệt phối hợp với các ngành, đoàn thể của huyện vận động các hộ dân vi phạm hiểu rõ chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong bảo vệ rừng, quản lý đất lâm nghiệp. Nhờ đó, các đối tượng đã tự nguyện trở về nơi cư trú không ở rừng nữa, nhưng vẫn còn 2 hộ ở Lộc Khánh chưa tự giác về nhà. Xã Lộc Thành đề nghị xã Lộc Khánh có giải pháp vận động và chăm lo cho 2 hộ để họ bỏ rừng trở về sinh sống ổn định.

UBND xã Lộc Thành đề nghị Ban quản lý rừng Tà Thiết, đơn vị nhận khoán bảo vệ rừng là Tiểu đoàn 208 phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng. Chủ rừng và đơn vị nhận khoán cần chủ động phối hợp cùng xã ngăn chặn, phòng ngừa, xử lý các hành vi vi phạm lâm luật. Ban quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết cung cấp đầy đủ, kịp thời kế hoạch sử dụng rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn để UBND xã nắm và xây dựng kế hoạch kiểm tra, quản lý, tuyên truyền pháp luật trong nhân dân. Hai đồn biên phòng 809, 807 đứng chân trên địa bàn xã cần gắn kết trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng vào công tác quản lý biên giới, giảm thiểu các đối tượng lợi dụng vào phá rừng lấy gỗ, chiếm đất rừng.

P.Hà

  • Từ khóa
43307

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu