Thứ 6, 29/03/2024 05:10:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 06:52, 03/09/2015 GMT+7

Gỡ khó trong thi hành án dân sự ở lĩnh vực ngân hàng

Thứ 5, 03/09/2015 | 06:52:00 2,311 lượt xem

BP - Hiện số vụ việc phải thi hành án (THA) thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng tại tỉnh vẫn khó thực hiện. Mặc dù cơ quan THA dân sự tỉnh đã kê biên, định giá và bán đấu giá tài sản nhưng hiệu quả vẫn rất thấp. Chính vì vậy, việc đẩy nhanh tiến độ, nâng cao kết quả THA đối với lĩnh vực tín dụng, ngân hàng rất cần có những giải pháp hữu hiệu, đồng bộ và sự vào cuộc tích cực của các cơ quan hữu quan.

NGÂN HÀNG “TRÁCH” THA KÉO DÀI

Ông Trương Quang Dũng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh Bình Phước cho biết, cơ quan THA dân sự Bình Phước đã có nhiều nỗ lực THA, góp phần xử lý, giảm thấp nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, đến cuối tháng 7-2015 vẫn còn hơn 67% tổng nợ xấu của hệ thống ngân hàng được tòa tuyên theo các bản án vẫn chưa được thi hành. Theo thống kê, 10/17 tổ chức tín dụng có mặt trên địa bàn tỉnh đã chuyển 113 vụ việc sang cơ quan THA, với số tiền phải THA là 114 tỷ đồng.

Lãnh đạo tỉnh chứng kiến lễ ký kết quy chế phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh Bình Phước với  Cục THA dân sự tỉnh

Các ngân hàng thương mại nêu lên hàng loạt vướng mắc từ cơ sở pháp lý và cho rằng, những quy định về thủ tục THA phức tạp, rườm rà dẫn đến kéo dài. Trách nhiệm và quyền của ngân hàng và các tổ chức tín dụng là phải thu giữ tài sản để xử lý về giao dịch đảm bảo nhưng khi ngân hàng khởi kiện thì Luật THA lại không hướng dẫn về nội dung này. Đồng thời, quy định kê biên, xử lý một số tài sản đặc thù như nhà hàng, khách sạn vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể. Ngoài vướng mắc về pháp lý, THA cũng còn bất cập khác khi kê biên tài sản khách hàng. Không những thế, do thời gian thụ lý vụ việc kéo dài nên tài sản thế chấp của khách hàng là nhà xưởng, máy móc, thiết bị lạc hậu về công nghệ dẫn đến xuống cấp trầm trọng. Hoặc nhiều tài sản của khách hàng là của chung (đa số là thế chấp quyền sử dụng đất) nên cơ quan THA chỉ kê biên một phần tài sản đảm bảo, dẫn đến việc thu hồi nợ còn thiếu và chậm. Một số vụ việc khi thực hiện xử lý tài sản thường có hướng tạo điều kiện kéo dài thời hạn trả nợ hoặc xem xét để miễn giảm lãi suất cho người THA...

“TIÊN TRÁCH KỶ, HẬU TRÁCH NHÂN”

Khi cho vay, ngân hàng đã chủ động ràng buộc các điều kiện pháp lý với bên cho vay và bên liên quan bằng nhiều hợp đồng như: tín dụng, bảo đảm tín dụng... nhưng khi rủi ro phát sinh thì việc xử lý thu hồi nợ của ngân hàng luôn gặp khó khăn. Những khó khăn này không xuất phát từ các điều khoản trong hợp đồng mà là từ tính hiệu lực trong thực thi các điều khoản đó và khả năng thực hiện cưỡng chế theo hợp đồng...

Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó cục trưởng Cục THA dân sự tỉnh cho biết: “Hầu hết số việc THA liên quan đến tín dụng, ngân hàng đều thể hiện đến bất động sản là tài sản đã thế chấp, cầm cố, bảo lãnh. Trong quá trình xử lý tài sản để THA, đơn vị gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả. Đơn cử như trường hợp công ty, doanh nghiệp vay vốn ngân hàng rồi rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, tài sản thế chấp không đảm bảo trả nợ vay. Trong quá trình tiến hành thẩm định, cho vay, có những cán bộ ngân hàng không thực hiện đúng quy trình, quy định, không xác định hiện trạng tài sản, không thẩm định kỹ nguồn gốc, giá trị tài sản hoặc tình trạng một tài sản thế chấp nhiều nơi. Trong khi đó, tài sản này cơ quan THA dân sự phải kê biên, đang bán đấu giá để đảm bảo thu nợ cho ngân hàng và nợ công dân...”.

Theo thống kê hằng năm, cơ quan THA dân sự tỉnh phải thụ lý và đưa ra THA số lượng rất lớn và tính phức tạp trong từng vụ việc cũng tăng theo. Các loại án liên quan đến tín dụng, ngân hàng chiếm tỷ lệ không nhỏ, nhất là thi hành về giá trị so với tổng số án thụ lý nhưng vẫn còn nhiều vụ chưa được giải quyết. Tính đến ngày 30-7-2015, tổng số vụ việc phải THA là 197 vụ với số tiền 467,237 tỷ đồng, nhưng chỉ mới giải quyết bằng bán đấu giá tài sản được 127 tỷ đồng, chiếm hơn 27%.

Các bản án THA không thành có nhiều lý do như: không có tài sản để thu, đang thẩm định giá, xác minh tài sản, các bên thỏa thuận hay giá trị tài sản quá lớn so với số tiền phải THA. Hoặc THA với tài sản là nhà xưởng, đất thế chấp xa khu dân cư không thuận đường... Nếu so với giá trị thực và quy mô của tài sản thì dù giá bán thấp vẫn không có khách hàng mua. Mặc dù, cơ quan bán đấu giá cũng như đơn vị đã thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng.

“Không phải cơ quan THA không cương quyết trong thực thi nhiệm vụ, mà do luật không cho phép nên rất khó THA. Quan điểm của Cục THA dân sự tỉnh là bên cạnh thủ tục cưỡng chế THA bằng biện pháp kê biên tài sản thì sự thuyết phục, thỏa thuận gắn với chủ trương chủ động tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết nợ xấu cần được quan tâm. Nếu như cứ khăng khăng kê biên, phát mãi... theo như bản án thì không bao giờ có thể THA dứt điểm được” - ông Hiền cho biết thêm.

CẦN CÓ TIẾNG NÓI CHUNG

Nhằm hạn chế và khắc phục những tồn tại, vướng mắc nêu trên, vừa qua, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã ký kết quy chế phối hợp với Cục THA dân sự tỉnh trong công tác THA liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng. Theo đó, THA dân sự xây dựng kế hoạch có những giải pháp xác đáng, khả thi; các chi nhánh ngân hàng cần có sự quan tâm trong xử lý nợ với số tiền lớn mà bên phải THA là các công ty, xí nghiệp. Đồng thời, nâng cao hơn nữa công tác phối hợp giữa ngân hàng và cơ quan THA dân sự để thông tin hai chiều trong việc tổ chức THA và có giải pháp kịp thời phối hợp xử lý tài sản THA. Nhất là phải xử lý nghiêm các trường hợp cho vay không đúng quy định...

Tại lễ ký kết quy chế phối hợp giữa Cục THA dân sự tỉnh với ngành ngân hàng và doanh nghiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tòng yêu cầu: Đối với các vụ việc có điều kiện THA phải chỉ đạo chấp hành viên và tổ chức THA dứt điểm. Xử lý nghiêm những cán bộ, chấp hành viên nhũng nhiễu, cố tình kéo dài thời gian THA, không xử lý tài sản theo đúng quy định pháp luật. Các ngân hàng không nên cứng nhắc mà phải có những giải pháp mềm dẻo, phù hợp với thực tế. Bởi mục đích cuối cùng là thu lại được bao nhiêu nợ chứ không phải thi hành bản án.

T.Mảng

  • Từ khóa
27097

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu