Thứ 7, 20/04/2024 10:54:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 14:04, 08/05/2016 GMT+7

Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

Chủ nhật, 08/05/2016 | 14:04:00 207 lượt xem
BP - Chưa đến mùa cao điểm nhưng từ đầu năm đến nay, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh tăng đột biến khiến người dân lo lắng. Trước diễn biến bất thường của SXH, ngành y tế khuyến cáo người dân nâng cao ý thức phòng bệnh, không chủ quan với SXH.

TRỒNG CÂY SEN, SÚNG, TRỮ NƯỚC... LÀ TÁC NHÂN GÂY SXH

Trung tâm Y tế thị xã Đồng Xoài vừa tổ chức phun thuốc khử trùng, diệt lăng quăng tại xóm 2, ấp 1B, xã Tiến Thành. Khu dân cư xóm 2 là nơi có lăng quăng, nhiều muỗi và là điểm nóng về SXH của thị xã. Trong số những người có triệu chứng sốt thì 4 người được xác định dương tính với SXH. Đại diện Trung tâm Y tế thị xã Đồng Xoài cho biết: “Một số hộ trong xóm trồng cây sen, cây súng trong chậu nước đã tạo điều kiện cho muỗi và lăng quăng phát triển. Việc vệ sinh môi trường sống hạn chế, các vũng nước đọng, bụi rậm ven đường không được phát quang nên muỗi nhiều là tác nhân gây bệnh SXH”.

Phóng viên Báo Bình Phước trao đổi với bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại Khoa Nhiệt đới, Bệnh viện đa khoa tỉnh

Do cả hai vợ chồng đều mắc SXH nên cuộc sống gia đình bà Đỗ Thị Ban ở xóm 2, ấp 1B, xã Tiến Thành bị ảnh hưởng nặng nề. Thời gian qua, do thiếu nước sinh hoạt, bà Ban phải chở nước từ gia đình khác về tích trữ để dùng dần. Vì chủ quan không thả cá vàng, cũng không thực hiện các biện pháp diệt muỗi và lăng quăng nên tạo môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sôi. Khi có biểu hiện sốt cao, bà Ban nhập viện và được xác định mắc SXH. Chỉ trong một ngày, cả hai vợ chồng bà Ban phải vào Bệnh viện đa khoa tỉnh để điều trị SXH. Bà cho biết: “Xóm 2 có 170 hộ dân thì đã có 8 hộ với 16 người bị sốt. Những người được chẩn đoán sốt siêu vi thì điều trị tại nhà theo hướng dẫn của nhân viên y tế, còn người bị sốt cao thì nhập viện, thậm chí có nhà 2 người sốt cao phải chuyển bệnh viện tuyến trên điều trị”. Ông Lê Quang Điểm, Bí thư Chi bộ ấp 1B, xã Tiến Thành nói: Nếu người dân không nâng cao ý thức phòng bệnh thì khả năng bùng phát dịch tại khu dân cư là rất lớn.

SỐ CA SXH TĂNG BẤT THƯỜNG

Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện đa khoa tỉnh trung bình mỗi ngày tiếp nhận từ 3-4 bệnh nhân mắc SXH mới, cá biệt có ngày 6-7 bệnh nhân. Hiện 30 bệnh nhân đang điều trị SXH tại khoa. Từ đầu năm đến nay, khoa đã tiếp nhận 119 bệnh nhân SXH. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Bảo Khanh, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới cho biết: Trước đây, bệnh nhân SXH thường có độ tuổi dưới 15 nhưng hiện nay đa phần ở độ tuổi lao động. Việc “già hóa” độ tuổi mắc SXH là một vấn đề đáng lưu ý. Ông Nguyễn Văn Sáu, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh lý giải: Số bệnh nhân trong độ tuổi lao động chiếm 70% tổng số người mắc SXH. Nguyên nhân do Bình Phước có số lượng dân nhập cư đông, chưa được miễn dịch nên dễ nhiễm bệnh, nhất là những người làm rẫy.

Cán bộ Trạm y tế xã Tiến Thành thả cá vàng diệt lăng quăng tại nhà dân

Năm nay, SXH xuất hiện sớm hơn những năm trước. Bắt đầu từ tháng 11, 12 năm 2015, SXH đã bùng phát và kéo dài đến thời điểm này. Khi mùa mưa chưa bắt đầu mà số ca mắc SXH đã nhiều và diễn biến phức tạp như hiện nay là rất đáng lo ngại. Không chỉ dừng lại ở các triệu chứng thông thường như sốt cao 39-40OC, đột ngột, liên tục trong 3-4 ngày, mệt mỏi, phát ban, buồn nôn... bệnh nhân SXH còn có các triệu chứng kèm theo như đau họng, tiêu chảy... nên đã tạo hiệu ứng cộng dồn, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Ông Nguyễn Văn Sáu cho biết: “Dù ngành y tế đã tổ chức khuyến cáo 2 lần/tuần về SXH nhưng do thời tiết nắng nóng, khô hạn, nhiều hộ phải tích nước phục vụ sinh hoạt khiến lăng quăng có điều kiện phát triển. Bên cạnh đó, việc vệ sinh dụng cụ phế thải, phát quang bụi rậm còn hạn chế và sở thích trồng cây cảnh của một số hộ đã tạo thuận lợi cho muỗi phát triển. Đặc biệt, do tâm lý chủ quan nên nhiều người khi bị sốt đã tự mua thuốc về uống, bệnh trở nặng mới đến cơ sở y tế điều trị khiến bệnh diễn biến phức tạp và khó kiểm soát”.

Nhân viên Trung tâm Y tế thị xã Đồng Xoài phun thuốc diệt muỗi tại xóm 2, ấp 1B, xã Tiến Thành

Năm 2015, Trung tâm Y tế dự phòng Bình Phước đã tiếp nhận 628 ca mắc SXH, trong đó 2 ca tử vong và hơn 60 trường hợp phải chuyển tuyến điều trị. Trong 3 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh ghi nhận 436 ca mắc SXH, tăng 52 ca (738%) so với cùng kỳ năm 2015. 11/11 huyện, thị xã có số ca mắc SXH, trong đó 7 huyện, thị có số ca mắc tăng cao gồm: Chơn Thành 120, Đồng Xoài 96, Phước Long 51, Đồng Phú 42, Bù Gia Mập 31, Phú Riềng 26 và Hớn Quản 20 ca.

Em Lê Thành Đạt, tổ 6, khu phố Xuân Lộc, phường Tân Xuân (Đồng Xoài) cho biết: “Em bị sốt cao, uống thuốc không giảm nên gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh và được xác định mắc SXH. Em bị SXH là do chủ quan không mắc màn khi ngủ”. Em Phạm Hải Ly, học sinh Trường THPT chuyên Quang Trung nói: “Em ở nội trú trong trường, thấy ký túc xá được phun thuốc diệt muỗi nên em chủ quan không mắc màn khi ngủ dẫn đến mắc bệnh”.

CHỦ ĐỘNG PHÒNG BỆNH GIAO MÙA

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn tỉnh, mùa mưa tại Bình Phước năm nay sẽ bắt đầu muộn, từ tháng 7-2016. Bác sĩ Sáu cho biết thêm, thời điểm chuyển mùa là khoảng thời gian thuận lợi để vi khuẩn phát triển và gây bệnh. Bên cạnh SXH, người dân cần chú ý phòng ngừa các bệnh tiêu hóa, tay - chân - miệng, tiêu chảy... Để hạn chế mắc các bệnh liên quan đến thời tiết, ngành y tế khuyến cáo người dân cần có chế độ ăn uống hợp lý, sinh hoạt khoa học. Nên duy trì tập thể thao thường xuyên, kết hợp với phòng ngừa những bệnh lý thông qua tiêm vắc-xin phòng dịch theo mùa; tăng cường dinh dưỡng và vệ sinh môi trường sạch sẽ, thực hiện ăn chín, uống sôi, chọn lựa thực phẩm an toàn, chú ý vệ sinh cá nhân. Khi có triệu chứng, người dân nên tới các cơ sở y tế gần nhất để khám và chữa bệnh kịp thời, không để bệnh trở nặng, khó điều trị.   

T. Tường - P. Dung

  • Từ khóa
54886

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu