Thứ 5, 28/03/2024 21:41:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 09:24, 09/01/2014 GMT+7

Không chủ quan với lạm phát

Thứ 5, 09/01/2014 | 09:24:00 179 lượt xem

Kết thúc năm 2014, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát ở mức 6,04%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đặt ra là 7%. Tuy nhiên, để duy trì thành tích kiểm soát lạm phát trong năm 2014, theo Bộ Tài chính, cần phải tiếp tục chú trọng công tác quản lý, điều hành giá, đặc biệt là các hàng hóa thiết yếu.

Lạm phát thấp nhất trong nhiều năm

Năm 2013 là năm CPI tăng ở mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây. Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, diễn biến giá cả trên thị trường về cơ bản tuân theo các quy luật chung hàng năm. Giá tăng vào 2 tháng đầu năm là thời điểm Tết Nguyên đán sau đó có xu hướng ổn định từ tháng 3 đến tháng 9 và tăng nhẹ vào các tháng cuối năm.

 


Giá hàng hóa tại các siêu thị ổn định, thậm chí có nhiều khuyến mại để tăng sức mua.

Về mặt hàng, mức tăng giá cao nhất của năm rơi vào các nhóm thuốc chữa bệnh (tăng 18,97%) và dịch vụ y tế (tăng 11,71%). Tuy nhiên, do giá lương thực giảm trong một số tháng từ tháng 3 đến tháng 7 đã có tác dụng bù trừ sự tăng giá nhóm thực phẩm và nhóm ăn uống ngoài gia đình. Kết quả là chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống chỉ tăng 5,08%, đóng góp 2,3% vào chỉ số giá nói chung. Nếu không bị ảnh hưởng bởi việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục (chiếm lần lượt 25% và 17% trong CPI chung) thì lạm phát cả năm có thể còn tăng thấp hơn.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, diễn biến thị trường giá cả 2013 tiếp tục ổn định vượt ngoài sự mong đợi có nguyên nhân của sự tiếp tục tăng chậm lại rõ rệt của tổng cầu, gồm cả cầu tiêu dùng và cầu đầu tư, trong nước và xuất khẩu. “Kinh tế trong nước đã có chuyển biến theo hướng tích cực nhưng mức độ phục hồi chưa cao. Thu nhập của người dân chưa được cải thiện đáng kể nên sức tiêu thụ hàng hóa trên thị trường còn hạn chế”, ông Ánh lý giải.

Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, giá một số mặt hàng thiết yếu như giá bán điện, giá bán than cho sản xuất điện, giá xăng dầu... tiếp tục được điều hành theo lộ trình thị trường nhưng Nhà nước có sự chủ động kiểm soát mức độ và thời điểm tăng giá... nên đã hạn chế tác động tiêu cực đến CPI.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, CPI năm 2013 được kiểm soát đã phản ánh sự thành công trong chính sách điều hành ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát chính sách tài khóa, tiền tệ chặt chẽ của Chính phủ. Công tác điều hành giá năm 2013 đã chủ động bám sát chủ trương điều hành kinh tế của Chính phủ và góp phần vào thành công chung trong kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Kiểm soát các yếu tố tăng giá

Mặc dù xu thế lạm phát tăng chậm đã được duy trì trong 2 năm liên tiếp nhưng theo các chuyên gia kinh tế, năm 2014, vẫn có nhiều thách thức để kiềm chế CPI ở mức 7%.

Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, năm 2014, lạm phát tiếp tục chịu sự tác động từ xu thế tăng chậm của tổng cầu đầu tư và tiêu dùng. Tuy nhiên, cần đề phòng ảnh hưởng từ chính sách nới lỏng tài khóa, tiền tệ như tăng bội chi ngân sách lên 5,3% GDP, phát hành thêm 170.000 tỷ đồng trái phiếu đầu tư giai đoạn 2011 - 2015. Thêm vào đó, nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường và nỗ lực thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ khiến dòng tiền vận động nhanh hơn, ở quy mô lớn có thể gây áp lực khiến lạm phát tăng.

Tổ điều hành thị trường trong nước cũng nhận định, năm 2014, có nhiều yếu tố tiêu cực khác tác động đến CPI. Đó là, kinh tế trong nước đang trên đà phục hồi sẽ kích thích nhu cầu tiêu dùng và sản xuất, từ đó làm tăng giá nhập khẩu nguyên vật liệu. Bên cạnh đó, ngay từ tháng đầu tiên năm 2014, TP Hồ Chí Minh thực hiện tăng phí dịch vụ y tế sẽ ảnh hưởng lớn đến chỉ số CPI chung.

Đối với chủ trương về điều hành giá các mặt hàng thiết yếu, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, diễn biến giá cả ở Việt Nam trong năm 2014 phụ thuộc rất mạnh vào quan điểm và các quyết sách thực hiện lộ trình điều hành giá một số mặt hàng như điện, than, xăng dầu, dịch vụ y tế, giáo dục... Do đó, việc điều chỉnh giá của từng mặt hàng cụ thể cần được cân nhắc liều lượng và phân bố thời gian một cách hợp lý để tránh tạo ra những cú sốc trên thị trường và tác động xấu tới đời sống người dân. “Việc điều hành giá theo cơ chế thị trường với các mặt hàng là cần thiết để đảm bảo nền kinh tế vận hành lành mạnh nhưng không có nghĩa là tăng giá sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Nhà nước cần áp dụng các biện pháp kiểm soát giá đối với những mặt hàng có sự độc quyền. Bên cạnh đó, cần tăng sức ép cạnh tranh, chia tách doanh nghiệp độc quyền”, TS Vũ Đình Ánh đề xuất.

Làm rõ hơn về việc điều hành giá các mặt hàng thiết yếu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu khẳng định, giá các loại hàng hóa thiết yếu như điện, than, xăng dầu... năm 2014 sẽ được điều hành có tính thị trường cao hơn. Tuy nhiên, việc điều hành giá cũng sẽ linh hoạt tùy tình hình và điều kiện và vẫn có sự quản lý của Nhà nước. Cùng với đó, Bộ Tài chính sẽ theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường trong nước và quốc tế để kịp thời đề xuất các giải pháp bình ổn giá, tiếp tục thực hiện thành công mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Trong việc tăng cường quản lý, điều hành và bình ổn giá dịp tết Nguyên đán năm 2014, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện kiểm tra, rà soát cung cầu các loại hàng hóa thiết yếu chuẩn bị đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân. Theo báo cáo của Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn, hàng hóa cung ứng ra thị trường của các doanh nghiệp tương đối tốt, hàng hóa dồi dào. Các địa phương cũng tích cực và chủ động tăng lượng hàng bình ổn giá cả dịp trước, trong và sau Tết.

Nguồn: TTXVN

  • Từ khóa
37040

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu