Thứ 5, 25/04/2024 08:57:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 09:56, 29/01/2017 GMT+7

Mưu sinh ngày tết

Chủ nhật, 29/01/2017 | 09:56:00 182 lượt xem
BPO - Mai vàng đã nở, trong không khí mát mẻ của những ngày đầu năm, nhiều gia đình du xuân hoặc đi thăm họ hàng. Khi mọi người nhộn nhịp đón xuân bên mái ấm gia đình vẫn còn nhiều người tất bật trên những con đường mưu sinh.

Một số người về quê ăn tết, việc thời vụ được trả công cao, đây cũng là dịp cho sinh viên kiếm tiền. Anh Bùi Văn Cao, sinh viên năm cuối Trường Cao đẳng sư phạm Bình Phước cho biết: Ngày thường, công phụ hồ được trả 180 ngàn đồng/ngày. Trước tết, nhiều gia đình, doanh nghiệp sửa nhà, làm một số công trình phụ, thiếu nhân công nên được trả cao từ 250 đến 300 ngàn đồng/ngày, bằng công thợ chính ngày thường. Mọi người thường làm từ 7 giờ sáng đến 17 giờ 30 phút, em chấp nhận làm đến 21 giờ để được trả công cao hơn. Phụ hồ nửa tháng trước tết, em tiết kiệm được 5 triệu đồng.

Nhiều năm chưa về quê ăn tết, gia đình ông Lý kiếm sống nhờ xe bán hàng này với mơ ước mua đất, làm nhà

Đa số sinh viên làm thời vụ tết với công việc bán hàng, gói quà, phục vụ tại các khu vui chơi, quán ăn, cà phê, phụ dọn nhà với tiền công cao gấp ba lần so với ngày thường... Được trả công cao, dễ nhận vào làm ngày tết nên một số sinh viên chọn cách đi làm để trải nghiệm và kiếm tiền.

Một chiếc xe đẩy bán trứng gà nướng, khoai lang nướng và nước ngọt ướp lạnh đã nuôi sống gia đình ông Trần Văn Lý (1965), ở trọ tại phường Tân Bình, thị xã Đồng Xoài. Ông Lý nhớ lại: “Nhiều năm rồi tôi không về quê Nam Định ăn tết, cũng không biết họ hàng có còn nhớ đến mình không. Ngày thường bán đắt hàng lắm mới lời được 200 ngàn đồng, đủ trang trải chi phí cho 4 người trong gia đình. Giáp tết và mấy ngày tết, trung bình mỗi ngày lời được khoảng 400 ngàn đồng. Mình cố gắng buôn bán, tiết kiệm mua mảnh đất cho con có chỗ ở ổn định sau này”.

Phía trước Siêu thị Coopmark (thị xã Đồng Xoài), chị Trương Thị Hoa (xã Tân Phước, huyện Đồng Phú) trải tấm bạt bán đồ chơi trẻ em. Chị Hoa nói: Năm nào cũng vậy, tôi chuẩn bị sẵn thức ăn cho chồng con ở nhà. Cuối năm, tôi đi TP. Hồ Chí Minh mua đồ chơi giá sỉ về bán mấy ngày tết để có thêm tiền cho các con đi học. Chơi tết, cha mẹ hay chiều chuộng, sẵn sàng mua đồ chơi khi trẻ vòi vĩnh, cũng ít ai trả giá.

Ngân và Tiến vui vẻ kể chuyện, phút chốc quên đi mệt nhọc hiện tại

Đêm 30 tháng Chạp năm Bính Thân, chỉ còn một giờ là đến giao thừa, trong dòng người hối hả đi chợ hoa và vui vẻ dự các lễ hội, vẫn chiếc nón lưỡi trai che nửa khuôn mặt, gương mặt rám nắng, chiếc áo sơ mi cũ thùng thình tận gối thay cho chiếc áo lạnh, Trần Việt Tiến (2007), ngụ tổ 4, khu phố Phú Cường, phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài kéo lê chiếc bọc đen to lượm ve chai ở khu Quảng trường tỉnh. Tiến đang học lớp 41 , Trường Tiểu học Tân Phú B. Hằng ngày, cứ chiều tan học em lại đội đèn pin trên đầu, chạy xe đạp khắp các con đường để nhặt ve chai trong các bịch rác.   Nhung (chị của Tiến), đang học lớp 12, em không nhặt ve chai nữa mà phụ dọn dẹp, lau nhà kiếm tiền. Tiến kể: Một tuần cuối năm mà hai anh em bán được 500 ngàn đồng tiền ve chai, do nhiều nhà thương tình cho máy móc đã hư nên bán được giá.

Trẻ thơ quên mệt rất nhanh, gặp bạn Bùi Thanh Ngân (2007), ở phường Tân Đồng, thị xã Đồng Xoài, đang học lớp 43 , Trường Tiểu học Tân Đồng cũng đang cầm bịch lượm ve chai, hai đứa trẻ tíu tít chuyện trò, cười hồn nhiên bên dòng người đông đúc. Mẹ bán nước ở Quảng trường 23 tháng 3, tối nào Ngân cũng đi theo nhặt ve chai. Ngân nói: Mẹ em dồn ve chai lại, mỗi năm mới bán một lần để đóng tiền học đầu năm cho em.

Mỗi nhà mỗi cảnh, những người tôi gặp đều chăm chỉ làm việc, với những ước mơ trong năm mới được mạnh khỏe, gia đình hạnh phúc, đoàn viên cùng những dự định cho tương lai.

Tuyết Ly

  • Từ khóa
57693

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu