Thứ 5, 25/04/2024 18:24:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 14:06, 22/01/2015 GMT+7

Muốn kinh doanh thành công phải biết sẻ chia

Thứ 5, 22/01/2015 | 14:06:00 94 lượt xem

BP - Thời gian gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin về tình trạng giá xăng dầu đã giảm nhiều lần và giảm khá sâu, nhưng nhiều doanh nghiệp vận tải vẫn “cố thủ” không giảm giá cước hoặc chỉ giảm nhỏ giọt, gây bức xúc dư luận. Ai cũng biết chi phí nhiên liệu chiếm 25-45% giá cước vận tải (đối với đường bộ). Như vậy, sau 13 lần giảm giá liên tục, xăng dầu đã giảm hơn 30% thì giá cước vận tải phải giảm 10-15% mới hợp lý. Thế nhưng dù Bộ Tài chính đã có văn bản hướng dẫn và Hiệp hội vận tải liên tục lên tiếng thúc giục thực hiện việc giảm giá cước, hầu hết doanh nghiệp vận tải vẫn chần chừ không giảm.

Tại Bình Phước, tính đến ngày 16-1, chỉ có 11 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách kê khai giảm giá cước. Tùy theo tuyến vận tải và cự ly vận chuyển mà mức giảm giá cước có khác nhau, nhưng mức giảm trung bình chỉ 5-10%. Mức giảm cao nhất là 19% đối với tuyến Bình Phước đi Bắc Kạn (bến xe Thành Công, Bù Đăng). Sở Giao thông - Vận tải đã đôn đốc các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh giảm giá cước theo quy định và có kế hoạch kiểm tra. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có doanh nghiệp kinh doanh vận tải nào ở Bình Phước bị phạt vì không thực hiện hoặc thực hiện không triệt để quy định giảm giá cước.

Ở góc độ quản lý nhà nước, nhiều người cho rằng, việc chỉ hô hào, động viên các doanh nghiệp vận tải giảm giá cước như hiện nay là chưa thực sự mang lại hiệu quả, chưa bảo vệ được quyền lợi người tiêu dùng. Bởi trong thực tế, nếu kiểm tra mà phát hiện doanh nghiệp chưa giảm giá cước thì chỉ tác động được vào phần thuế, tức là doanh nghiệp chỉ phải đóng thuế bổ sung phần lợi nhuận thu được từ việc không giảm giá cước. Còn về giá thì do điều tiết của thị trường, việc doanh nghiệp không giảm giá cước không thể khép vào tội vi phạm pháp luật nên không thể có chế tài mạnh. Vì thế, để quản lý giá cước vận tải cần đưa hoạt động này vào những mặt hàng kinh doanh có điều kiện, có sự quản lý giá trực tiếp của Nhà nước.

Khi nhắc tới khái niệm “đạo đức kinh doanh”, nhiều người cho rằng đó là khái niệm trừu tượng, không thực tế. Nhìn bề ngoài, dường như giữa kinh doanh và đạo đức có sự mâu thuẫn do đối lập về lợi ích giữa người kinh doanh với lợi ích người tiêu dùng. Người kinh doanh luôn muốn giảm tối đa chi phí và đạt lợi nhuận cao trong khi người tiêu dùng luôn muốn mua hàng hóa với giá thấp nhất, mà chất lượng tốt nhất. Từ đó nảy sinh xung đột không thể tránh khỏi trong quan niệm về đạo đức kinh doanh.

Lợi nhuận là yếu tố đầu tiên cho sự tồn tại của doanh nghiệp và là cơ sở đánh giá khả năng phát triển của doanh nghiệp. Thế nhưng khi chỉ coi lợi nhuận là tiêu chí quan trọng hàng đầu mà quên đi quyền lợi người tiêu dùng thì chính doanh nghiệp sẽ gánh chịu hậu quả. Nặng nề nhất là sự tẩy chay do đánh mất lòng tin của người tiêu dùng. Thiệt hại từ sự tẩy chay sẽ khiến doanh nghiệp thiệt hại gấp nhiều lần so với lợi nhuận có được từ sự không minh bạch trong kinh doanh. Bởi thế, muốn kinh doanh thành công và lâu bền thì doanh nghiệp cần biết chia sẻ quyền lợi với người tiêu dùng. Đó không phải điều gì trừu tượng mà là vấn đề rất thiết thực.       

Bảo Khanh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu