Thứ 7, 20/04/2024 05:39:29 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:33, 25/04/2019 GMT+7

Mục tiêu và danh dự của cá nhân, quê hương

Trần Phương
Thứ 5, 25/04/2019 | 08:33:00 143 lượt xem

BP - Không yêu cầu doanh nghiệp, người dân bổ sung hồ sơ, tài liệu quá 1 lần. Đó là một trong những nội dung quan trọng nhất trong Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 22-4-2019 về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Chỉ thị nêu rõ, thời gian qua công tác phòng chống tham nhũng đạt được kết quả tích cực trên các mặt nhưng trong nhiều lĩnh vực, ở nhiều ngành, nhiều cấp vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức sách nhiễu, phiền hà, gây bức xúc, làm xói mòn lòng tin của người dân, doanh nghiệp, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội.

Không phải cán bộ, công chức nào cũng nhũng nhiễu, nhưng có thể nói nhũng nhiễu, sách nhiễu là “tham nhũng vặt” khá phổ biến và đã trở thành vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Nó xuất hiện ở hầu hết lĩnh vực của đời sống. Người dân, doanh nghiệp muốn làm thủ tục nhanh chóng phải có “chi phí không chính thức”, hay vi phạm nhè nhẹ kiểu như đi đường quá tốc độ, xe chở quá tải... chỉ cần có chút lót tay là được bỏ qua. Tham nhũng vặt như tằm ăn lá dâu, cứ âm thầm, lặng lẽ, không quật đổ, không làm gãy cành ngay được, nhưng sự tàn phá của nó nếu không có giải pháp ngăn chặn kịp thời thì thật đáng sợ. Nó cũng như một ổ mối theo thời gian có thể làm mục ruỗng một thân cây to, ăn mòn chân dẫn tới phá hỏng một con đê lớn. Bầy mối, bầy tằm ấy rất đông đảo song không phải lúc nào cũng dễ dàng phát hiện. Chúng chỉ bị xử lý khi được phanh phui, lôi ra ánh sáng hay có tố cáo của người trong cuộc. Mà người trong cuộc thường chấp nhận thỏa hiệp, chấp nhận mất cái nhỏ để được việc, để giữ mối quan hệ...

Tham nhũng vặt, ở góc độ tổng thể tuy giá trị không lớn nhưng nó kiềm hãm sự phát triển kinh tế, xã hội. Đặc biệt, hệ lụy lớn hơn nó để lại là một hình ảnh xấu xí, làm giảm niềm tin của người dân, doanh nghiệp, gây khó khăn trong thu hút đầu tư, làm thoái hóa, biến chất đội ngũ cán bộ, đảng viên, diễn ra lâu dài có thể đe dọa sự tồn vong của chế độ... Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có không ít giải pháp để ngăn chặn tình trạng này. Song như Chỉ thị số 10/CT-TTg nêu, mặc dù đạt được kết quả tích cực, nhưng sách nhiễu, phiền hà vẫn đang làm xói mòn lòng tin của người dân, doanh nghiệp. Điều đó đòi hỏi các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu phải nhận thức sâu sắc về hiểm họa của sự xói mòn này và quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi.

Như chỉ số “chi phí không chính thức” trong PCI chẳng hạn. Đây là “nhiệt kế” rõ nhất về sự nhũng nhiễu, phiền hà doanh nghiệp của mỗi địa phương. Về chỉ số này, năm 2018 Bình Phước được 6,24 điểm, xếp thứ 24 cả nước, tăng đáng kể so với 4,95 điểm và xếp thứ 43 cả nước năm 2017. Mặc dù so với 5 năm trước đó 2016, 2015, 2014, 2013, 2012 với thứ hạng lần lượt 34, 36, 29, 23, 15 trong cả nước và điểm số đạt được còn thấp hơn so với 6,94 và 7,10 điểm của 2 năm 2013, 2012, nhưng kết quả đạt được năm 2018 của Bình Phước cho thấy đã bước đầu lấy lại lòng tin của doanh nghiệp.

Thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và hướng tới những mục tiêu cao hơn về một chính quyền minh bạch, hiện đại, hiệu quả, trong lĩnh vực này, Bình Phước chắc chắn không thỏa mãn với kết quả đạt được trong năm 2018. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu, nếu không đặt danh dự của cá nhân mình, của đơn vị mình, của địa phương mình, của quê hương mình lên trên trước tiên trong từng hành động, mục tiêu cao hơn hướng tới ấy sẽ khó có thể đạt được.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu