Thứ 4, 24/04/2024 12:02:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 13:52, 24/12/2014 GMT+7

Mức đóng BHXH, BHYT, BHTN năm 2015

Thứ 4, 24/12/2014 | 13:52:00 241 lượt xem
BPO - Từ ngày 1-1-2015, chính sách thu bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) có một số thay đổi khi Luật sửa đổi bổ sung một số Điều của Luật BHYT; Luật Việc làm chính thức có hiệu lực thi hành. Dưới đây, Binhphuoc Online xin giới thiệu cùng bạn đọc về những quy định mới trong chính sách thu BHXH, BHYT và BHTN.

* Đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc:

Kể từ ngày 1-1-2015, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trong tất cả các cơ quan, đơn vị (không phân biệt số lượng lao động đơn vị đang sử dụng) đều thuộc đối tượng đồng thời tham gia BHXH, BHYT và BHTN bắt buộc theo quy định tại Điều 2, Luật BHXH; Điều 43, Luật Việc làm và Khoản 6, Điều 1, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT.

Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trong tất cả cơ quan, đơn vị đều thuộc đối tượng đồng thời tham gia BHXH, BHYT và BHTN bắt buộc, kể từ ngày 1-1-2015 - Ảnh: Khánh Linh

Các cơ quan, đơn vị có sử dụng lao động theo chế độ hợp đồng lao động có thời hạn từ 3 tháng trở lên trước tháng 1-2015 mà hợp đồng lao động tiếp tục có giá trị trong năm 2015 (hoặc người lao động tiếp tục làm việc từ tháng 1-2015), chưa được tham gia BHTN, phải được cơ quan, đơn vị lập thủ tục tham gia BHTN từ tháng 1 năm 2015.

Đối với người lao động chỉ tham gia BHXH bắt buộc, tiếp tục áp dụng theo Luật BHXH; các đối tượng chỉ tham gia BHYT áp dụng theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT.

Từ ngày 1-1-2015, do mức hưởng BHYT đã được điều chỉnh theo Luật sửa đổi bổ sung một số Điều của Luật BHYT, nên cơ quan, đơn vị rà soát và yêu cầu người lao động là người có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, cựu chiến binh, thân nhân người có công với cách mạng mà trước đây chưa được xác định quyền lợi, bổ sung các chứng nhận theo quy định, để đơn vị lập thủ tục điều chỉnh thẻ BHYT, xác định mã quyền lợi theo quy định mới để đảm bảo nguyên tắc một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau quy định tại Điều 12 của Luật BHYT thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định và được hưởng quyền lợi BHYT theo đối tượng có quyền lợi cao nhất.

* Tỷ lệ và mức tiền lương đóng BHXH, BHYT, BHTN:

Từ ngày 1-1-2015, hàng tháng, người sử dụng lao động đóng cho người lao động và trích từ tiền lương tháng của người lao động để đóng cùng một lúc vào Quỹ BHXH, BHYT, BHTN với tỷ lệ đóng là 32,5 %, trong đó: Người sử dụng lao động đóng 22% (18% nộp quỹ BHXH, 3% nộp Quỹ BHYT, 1% nộp Quỹ BH TN). Người lao động đóng 10,5% (8% nộp quỹ BHXH, 1,5% nộp Quỹ BHYT và 1% nộp Quỹ BHTN).

Về mức tiền lương làm cơ sở đóng BHXH, BHYT, BHTN: Đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì căn cứ để đóng BHXH, BHYT, BHTN là hệ số tiền lương tháng theo ngạch bậc, cấp quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có) tính theo mức lương cơ sở do Chính phủ quy định. Mức tiền lương tháng thấp nhất để tính đóng BHXH, BHYT, BHTN là mức lương cơ sở và mức tiền lương tối đa để tính mức đóng BHXH, BHYT, BHTN là 20 lần mức lương cơ sở.

Đối với người lao động hưởng tiền lương theo quy định của người sử dụng lao động thì căn cứ để đóng BHXH, BHYT, BHTN là tiền lương tháng được ghi trong hợp đồng lao động. Mức tiền lương tháng thấp nhất để tính mức đóng BHXH là mức lương tối thiểu vùng và mức tiền lương tối đa để tính mức đóng BHXH là 20 lần mức lương cơ sở. Mức tiền lương tháng tối đa để tính mức đóng BHYT là 20 lần mức lương cơ sở. Mức tiền lương tháng thấp nhất để tính đóng BHTN là mức lương tối thiểu vùng và mức tiền lương tối đa để tính mức đóng BHTN là 20 lần mức lương tối thiểu vùng.

* Những vấn đề cần lưu ý:

Người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về BHXH thì mức đóng hàng tháng bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động trước khi nghỉ thai sản do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng. Người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì không phải đóng bảo hiểm y tế nhưng vẫn được hưởng quyền lợi BHYT.

Người lao động trong thời gian bị tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ công tác để điều tra, xem xét kết luận có hay không việc vi phạm pháp luật thì mức đóng hàng tháng bằng 4,5% của 50% mức tiền lương tháng mà người lao động được hưởng theo quy định của pháp luật. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền kết luận là không vi phạm pháp luật, người lao động phải truy đóng BHYT trên số tiền lương được truy lĩnh.

Người lao động trong thời gian được cử đi học tập hoặc công tác tại nước ngoài thì không phải đóng bảo hiểm y tế; thời gian đó được tính là thời gian tham gia BHYT cho đến ngày có quyết định trở lại làm việc của cơ quan, tổ chức cử đi. Người lao động trong thời gian đi lao động tại nước ngoài thì không phải đóng BHYT; trong thời gian 60 ngày kể từ ngày nhập cảnh về nước nếu tham gia BHYT thì toàn bộ thời gian đi lao động tại nước ngoài và thời gian kể từ khi về nước đến thời điểm tham gia BHYT được tính là thời gian tham gia BHYT liên tục. Người lao động trong thời gian làm thủ tục chờ hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm nếu không tham gia bảo hiểm y tế theo các nhóm khác, thời gian đó được tính là thời gian tham gia BHYT.

Cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHYT mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định thì sẽ bị xử lý: Phải đóng đủ số tiền chưa đóng và nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất liên ngân hàng tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; đồng thời phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng bảo hiểm y tế mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ BHYT.

T. Giang

  • Từ khóa
50543

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu