Thứ 6, 29/03/2024 01:32:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:00, 06/11/2018 GMT+7

Mùa thu hoạch và nguồn lực của xã hội

Thứ 3, 06/11/2018 | 09:00:00 151 lượt xem

BP - Hiện đang chính vụ thu hoạch quýt đường. Lẽ ra đây những ngày vui nhất, nhưng người trồng quýt đường trên địa bàn tỉnh lại đang thấy chua chát vì giá năm nay chỉ bằng ½ so với năm trước, với 10-12 ngàn đồng/kg nhưng cũng không có thương lái đến thu mua. Người trồng quýt đứng trước nguy cơ thua lỗ nặng, có khi phải phá bỏ vườn với mức đầu tư cả trăm triệu đồng/ha. Các vựa quýt đường đang bao trùm một nỗi xót xa, đặc biệt là ở xã Tân Thành, thị xã Đồng Xoài. Trong khi đó, ở xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, một số hộ dân trồng chanh dây lại đang thu “trái ngọt” vì bán được giá, lời cả trăm triệu đồng/ha. Một hình ảnh đối lập với những người trồng hai loại cây cho trái chua và trái ngọt này.

Trở lại 5 năm trước, vẫn ở những địa bàn ấy, cũng là hai hình ảnh đối lập, song có chút khác biệt. Quýt đường cho trái ngọt và đem lại cả sự ngọt ngào cho người trồng vì được mùa, được giá, cho lợi nhuận cao. Còn chanh dây đem lại sự chua chát bởi trồng ra không biết đổ đi đâu khi giá thấp và không ai thu mua. Lật giở thêm vài năm trước đó nữa, cũng hai loại cây trồng này, là những “mô hình”, “điển hình”, “kinh nghiệm”, “kỳ vọng” hứa hẹn thoát nghèo hay làm giàu từ quýt đường, chanh dây được tuyên truyền qua các tổ chức đoàn thể hay báo chí, thông tin đại chúng...

Có lẽ câu chuyện về giá các loại nông sản của nông dân không chỉ ở Bình Phước mà ở hầu hết các địa phương trong cả nước như thế không còn xa lạ, không mới. Nó được nói đi nói lại, được phân tích, cảnh báo, kêu gọi... với cả nông dân, ngành nông nghiệp, nhà quản lý không biết bao nhiêu lần và ở mọi cấp độ khác nhau. Thậm chí nó còn trở nên nhàm chán với người nghe, nó được tiếp nhận kiểu như nhân vật cụ cố Hồng trong tác phẩm “Số đỏ” luôn nói “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”...

Nhưng liệu có thể im lặng khi người nông dân vốn nghèo khó, lại chồng chất khó khăn vì thua trong canh bạc đánh cược với giá thị trường? Liệu ngành nông nghiệp, các cơ quan hoạch định vùng nguyên liệu, khuyến nông, định hướng phát triển trồng trọt, xuất nhập khẩu, dự báo thị trường... đã hoàn thành nhiệm vụ của mình khi được Nhà nước, được nhân dân đóng thuế trả lương? Mỗi héc ta trồng quýt, trồng chanh thất thu 100 triệu đồng, 1.000 héc ta là 100 tỷ đồng. Nếu phá bỏ vườn để chuyển sang trồng cây khác, phải mất không dưới chừng đó nữa tiền đầu tư và phải chờ thêm vài năm sau mới lại cho thu hoạch, tạo ra sản phẩm cho xã hội. Với gần 20.000 héc ta hồ tiêu cũng đang vừa mất giá vừa bị bệnh hại, nông dân thua lỗ nặng, trên một diện tích mức đầu tư và thiệt hại gấp 10 lần chanh hay quýt, cả ngàn héc ta đã phải phá bỏ, con số thiệt hại nhẩm sơ sơ đã thấy thật khủng khiếp.

Hệ quả lớn như vậy, thế nhưng có một vấn đề trước giờ chưa được nhắc tới một cách đầy đủ, toàn diện, là: Nông dân đã thiệt hại, nguồn lực xã hội bị tổn thất bao nhiêu và ảnh hưởng như thế nào đối với sự phát triển của mỗi địa phương, với đất nước? Chưa có một thống kê, điều tra, báo cáo đầy đủ nào về vấn đề này bằng những con số cụ thể. Khi chưa có con số cụ thể thì không thể đánh giá được đầy đủ. Không đánh giá được đầy đủ, vẫn u u minh minh, vẫn điệp khúc “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi” thì không thể biết nó đã kìm hãm phát triển nông thôn, làm lỡ cơ hội của nông dân, làm tổn hại nguồn lực của đất nước như thế nào. Và nếu vẫn như vậy, nông dân và ngành nông nghiệp khó có thể thoát ra được cái vòng luẩn quẩn đã mắc phải bao năm qua.

Trần Phương

  • Từ khóa
108987

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu