Thứ 3, 16/04/2024 10:56:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 14:16, 01/04/2016 GMT+7

Múa rối cạn - môn nghệ thuật mới cần được đầu tư phát triển

Thứ 6, 01/04/2016 | 14:16:00 1,077 lượt xem
BP - Vào những chiều cuối tuần, tại Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh, các thành viên Câu lạc bộ múa rối cạn “Mặt trời bé con” lại trình diễn môn nghệ thuật này. Tuy nhiên, nếu không được quan tâm đầu tư kinh phí thì nghệ thuật múa rối cạn sẽ bị mai một dần.


Các thành viên CLB múa rối “Mặt trời bé con”

Môn nghệ thuật mới ở bình phước

Múa rối là nghệ thuật tạo hình không gian, biểu cảm thông qua cử chỉ, hành động con rối do nghệ nhân điều khiển. Đối với người Việt, múa rối mang đậm bản sắc văn hóa và tính nhân văn của dân tộc. Múa rối được chia thành hai loại là múa rối cạn và rối nước. Trong đó, múa rối cạn phong phú, sinh động và dễ biểu diễn hơn. Trên sân khấu, múa rối cạn không giới hạn về nội dung, nhân vật... Tất cả nhân vật trên sân khấu rối đều có thể được nhân cách hóa, tạo sự tưởng tượng phong phú cho người xem.

Múa rối cạn có nhiều hình thức biểu diễn như rối tay, rối que, rối dây, rối bóng... Phần lớn các tích trò thường sử dụng làn điệu chèo, ca trù, tuồng để dẫn trò và biểu diễn. Những con rối tay thường được làm bằng gỗ. Nghệ nhân điều khiển con rối và lấy nội dung, nhân vật trong các truyện cổ tích, thần thoại... hoặc các nhân vật như cu Tí, cu Tèo, chú bộ đội, bác nông dân... trong cuộc sống đời thường. Trên sân khấu rối cạn, những loài động vật, cây cối, nhà cửa đều trở nên sinh động, có hồn và phong phú qua tài năng của những nghệ sĩ điều khiển rối.

Câu lạc bộ (CLB) múa rối cạn “Mặt trời bé con” thành lập năm 1999. CLB do Nguyễn Phước Tân (nguyên là nhân viên Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh) học hỏi kinh nghiệm từ các CLB tỉnh Bình Dương rồi về truyền dạy lại cho các thành viên của trung tâm để phục vụ thiếu nhi đến sinh hoạt. Lúc mới thành lập, cơ sở vật chất thiếu thốn, các bộ phận phân tán rải rác nhưng anh Tân và thành viên CLB khắc phục khó khăn để duy trì loại hình nghệ thuật này. Hiện CLB múa rối cạn thường tập luyện vào chiều thứ bảy và chủ nhật hằng tuần với 12 thành viên được tuyển chọn từ các trường THPT, THCS trên địa bàn thị xã Đồng Xoài và từ CLB nhảy hiện đại của Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh.

Bạn Hà Nhi, học sinh Trường THCS Tân Phú (Đồng Xoài), thành viên đội múa rối nói: “Em xem tivi thấy những chú rối nhảy múa rất đẹp và hấp dẫn nên khi CLB múa rối về trường chiêu sinh, em đã xin cha mẹ đăng ký tham gia. Nay em đã điều khiển được con rối múa theo kịch bản nên rất thích thú tập luyện cho thành thục để lúc biểu diễn không bị cứng tay”.

Món ăn tinh thần

Anh Cao Duy Thanh, phụ trách CLB múa rối cạn cho biết: “Cũng như các loại hình nghệ thuật khác, múa rối cạn đem tới niềm vui, tiếng cười cho thiếu nhi và người dân khi đến xem. Những gương người tốt, hành động đẹp được phản ánh qua vở diễn luôn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả. Điều đó đã tạo thêm động lực cho chúng tôi tiếp tục biểu diễn và cống hiến”.

Kịch bản những vở diễn lớn được dàn dựng bởi các đạo diễn ở thành phố Hồ Chí Minh, còn các vở nhỏ thành viên trong CLB nghiên cứu qua băng đĩa rồi tự biên tự diễn và tự dàn dựng kịch bản. Bên cạnh đó, đạo cụ, trang phục con rối, sân khấu... đều do thành viên CLB tự sắm. Hằng năm, CLB tổ chức hơn 10 tour lưu diễn tại các huyện, thị xã để các em thiếu nhi ở vùng sâu, vùng xa được đón xem, đặc biệt là người dân trong tỉnh biết thêm loại hình nghệ thuật mới.

“Để nâng cao trình độ, CLB múa rối cạn cũng thường xuyên giao lưu, học hỏi các CLB múa rối trong khu vực Đông Nam bộ. Cứ 2 năm 1 lần, CLB tham gia hội thi múa rối khu vực Nam bộ vừa học hỏi vừa tích lũy kinh nghiệm. Do mới hình thành nên múa rối cạn ở Bình Phước chưa được phổ biến rộng rãi. Vì vậy, nghệ thuật múa rối cạn cần được quan tâm đầu tư để tạo sân chơi lành mạnh, đồng thời phát triển loại hình nghệ thuật dân gian này trong lớp trẻ hiện nay” - anh Thanh nói.

Thành Nguyện

  • Từ khóa
91963

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu