Thứ 4, 24/04/2024 17:55:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:31, 20/05/2016 GMT+7

“Mùa” giấy khen

Thứ 6, 20/05/2016 | 08:31:00 138 lượt xem

Hiện đã vào tuần cuối của năm học 2015-2016. Các trường học rục rịch tổ chức lễ tổng kết năm học và các máy in của trường cũng như cơ sở in liên tục chạy để in... giấy khen.

Có thể nói, chưa bao giờ ngành giáo dục - đào tạo lại khen nhiều như hiện nay, nhất là ở bậc tiểu học. Điều 16 Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục - Đào tạo quy định về khen thưởng đã thể hiện quan điểm khuyến khích giáo viên khen học sinh. Thông tư ghi: “Cuối học kỳ I và cuối năm học, giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn học sinh bình bầu những học sinh đạt thành tích nổi bật hay có tiến bộ vượt bậc về một trong ba nội dung đánh giá trở lên, đạt thành tích nổi bật trong các phong trào thi đua hoặc thành tích đột xuất khác; tham khảo ý kiến cha mẹ học sinh; tổng hợp và lập danh sách đề nghị hiệu trưởng tặng giấy khen hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng. Nội dung, số lượng học sinh được khen thưởng, tuyên dương do hiệu trưởng quyết định”. Vì vậy, để học sinh có giấy khen là điều dễ dàng với các giáo viên. Bởi chỉ cần các em hoàn thành bài kiểm tra cuối kỳ; chấp hành các quy định của nhà trường hoặc giáo viên; hăng hái giơ tay phát biểu ý kiến trong giờ học; có tham gia các hoạt động thể thao, sinh hoạt tập thể... là được đề nghị tặng giấy khen. Một học sinh không được khen mặt này có thể sẽ được khen về mặt khác. Đã có lớp chỉ 40 học sinh nhưng có tới 37 em được tặng giấy khen. Muôn kiểu khen như: Giỏi về phẩm chất và năng lực; tích cực tham gia các hoạt động tập thể của trường; có thành tích trong đợt thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam; đoạt giải trong các cuộc thi... dẫn đến “loạn” giấy khen. Nhiều bậc phụ huynh nắm rõ lực học của con đã thật sự bất ngờ khi con mình được tặng giấy khen. Những em có thành tích thật sự nổi trội, trong một năm học có thể được tặng đến 3-4 giấy khen.

Khen càng nhiều, học sinh, phụ huynh, giáo viên và nhà trường đều vui. Tuy nhiên, áp lực thành tích dường như là nỗi “ám ảnh” lớn không chỉ giáo viên, nhà trường mà cả số đông phụ huynh. Nhiều phụ huynh đã treo giải thưởng, tạo áp lực cho con em phải có bằng được tờ giấy khen cho bằng bạn bằng bè; hoặc để khoe với hàng xóm hoặc báo cáo với dòng họ, người thân, cơ quan, đơn vị. Có giáo viên chủ nhiệm đã bị phụ huynh điện thoại  mắng xối xả vì con họ không được tặng giấy khen. Rồi có phụ huynh tới tận nhà giáo viên năn nỉ “cho con” một tờ giấy khen, rồi đưa tiền “nhờ” cô khen thưởng. Vậy là giáo viên phải tặc lưỡi lập danh sách đề nghị hiệu trưởng khen thêm.

Những phần thưởng (trong đó có giấy khen) đi kèm với các danh hiệu là đáng quý, là nguồn động viên, khích lệ phong trào học tập trong nhà trường. Tuy nhiên, bệnh thành tích trong ngành giáo dục - đào tạo và chính gia đình có con em đi học làm mất đi bản chất thật của tờ giấy khen. Đã đến lúc ngành giáo dục - đào tạo và mỗi người dân cần xem xét lại cách đánh giá, xếp loại, tránh bệnh thành tích, hãnh diện vì giá trị ảo mà tạo áp lực cho học sinh và con em mình.

Hoàng Ngọc

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu