Thứ 7, 20/04/2024 13:39:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 08:10, 12/08/2015 GMT+7

Tiết kiệm

Thứ 4, 12/08/2015 | 08:10:00 165 lượt xem

BP - Cuộc họp chi bộ định kỳ tháng 8-2015, chi bộ tôi ra nghị quyết tiếp tục thực hành tiết kiệm. Đây là lần thứ 3 kể từ khi triển khai việc học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chi bộ ra nghị quyết chuyên đề về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Với một cơ quan hành chính sự nghiệp có tổng số gần 60 người (gồm cả nhân viên hợp đồng), việc ban hành nghị quyết chuyên đề về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có ý nghĩa rất quan trọng. Hằng ngày, phóng viên, nhân viên Tòa soạn, Nhà in sử dụng giấy một mặt để in bài cũng bớt đi một khối lượng đáng kể giấy A4. Quan trọng hơn là rèn cho tất cả mọi người có ý thức tiết kiệm ở mọi lúc, mọi nơi. Bởi nếu bạn đã phải ngồi soạn lại đống tài liệu cũ để tìm những tờ giấy một mặt sử dụng lại, hẳn sẽ không có những hành vi như bật máy lạnh lên rồi mở toang cửa phòng hoặc bật máy lạnh để nhiệt độ rất thấp rồi sang phòng bên cạnh “buôn dưa lê”. Bếp ăn tập thể cơ quan cũng tiết kiệm tối đa việc sử dụng điện, nước, ga. Nếu ra khỏi phòng thì phải đóng cầu dao điện, vừa tiết kiệm vừa không để xảy ra tình trạng sét đánh làm hư thiết bị khi có mưa dông.

Có lần tôi vào phòng ở của thủ trưởng cơ quan, thấy ông đang dương mục kỉnh nhìn vào máy vi tính nhưng trong phòng lại tối om. Hỏi sao anh không bật đèn lên mà làm thì ông bảo, hễ có việc lại phải chạy ngay lên phòng làm việc, nhiều lúc quên tắt điện nên không muốn bật. Tiết kiệm đến mức ấy nên hễ thấy phòng nào để đèn sáng, quạt quay khi trong phòng không có người là ông la lối om sòm!

Hầu hết các hành động tiết kiệm đồng nghĩa với việc chúng ta phải cắt giảm hoặc hy sinh những nhu cầu thỏa mãn trước mắt của bản thân để lo cho tương lai. Nhưng có người lại tặc lưỡi, tương lai hãy còn xa lắm, hiện tại mới là cuộc sống nên cứ tiêu xài thoải mái. Còn nhớ cách đây không lâu, chương trình Cuộc sống thường ngày do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện một phóng sự nhỏ về thực hành tiết kiệm ở một số hộ dân Hà Nội. Có những phụ nữ lôi trong tủ lạnh ra một túi chanh, vài trái táo, trái xoài, mãng cầu, nho hoặc m ột túi hành tươi đã vàng úa rồi thản nhiên vứt vào sọt rác. Nếu làm một phép tính đơn giản, mỗi tháng vài lần vứt đồ đi như thế thì một năm lãng phí bao nhiêu? Một đời lãng phí bao nhiêu? Nhiều người cộng lại sẽ là bao nhiêu?

Giữa tháng 3 vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015. Theo đó năm 2015, tiếp tục thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương; Cắt giảm các dự án không nằm trong quy hoạch; Tạm dừng các công trình chưa thật sự cần thiết; Tiết kiệm từ 10-15% tổng mức đầu tư; Không tổ chức lễ động thổ, khởi công, khánh thành các công trình xây dựng, trừ các công trình trọng điểm quốc gia; Thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích; Không tăng biên chế năm 2015... Đó chính là những chủ trương khá quyết liệt của Chính phủ trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chủ trương thì quyết liệt thế, vấn đề là chúng ta sẽ thực hiện những chủ trương ấy thế nào!

“Tiết kiệm là kho vô tận của kẻ nghèo, là cạm bẫy của kẻ giàu”. Đã có một câu cách ngôn không biết xuất phát từ đất nước nào như thế. Nhưng nó đúng ở mọi lúc, mọi nơi, mọi thời điểm chứ không chỉ trong giai đoạn chúng ta đang học và làm theo gương Bác Hồ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí!

L.T

  • Từ khóa
52092

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu