Thứ 7, 20/04/2024 12:58:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:46, 21/03/2018 GMT+7

Một yêu cầu cấp bách

Thứ 4, 21/03/2018 | 08:46:00 159 lượt xem

BP - Năm 2010, cả nước có 51.500 ha hồ tiêu, đến hết năm 2017 nâng lên 152.668 ha, vượt quy hoạch trên 100 ngàn ha. Việt Nam là một trong 39 quốc gia trồng tiêu lớn trên thế giới. Từ năm 2000 đến nay, Việt Nam sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu thế giới, chiếm 50% sản lượng xuất khẩu của thế giới. Tuy nhiên, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam phần lớn ở dạng thô; chưa đa dạng hóa sản phẩm; tính cạnh tranh chưa cao; chưa xây dựng được thương hiệu... dẫn đến giá trị gia tăng thấp. Sự chậm trễ trong việc xây dựng thương hiệu là nguyên nhân chính khiến ngành hàng này phát triển thiếu bền vững so với các quốc gia trong khu vực.

Một vấn đề nữa đáng quan tâm là những quốc gia không trồng tiêu đang duy trì khoảng 20% sản lượng xuất khẩu hạt tiêu trên thị trường thế giới, bởi họ xây dựng và phát triển được thương hiệu xuất khẩu tốt. Trong khi đó, lượng lớn hạt tiêu của Việt Nam xuất khẩu không được gắn thương hiệu riêng của mình. Minh chứng là phần lớn sản phẩm của các hợp tác xã trồng tiêu sạch ở Bình Phước đang cung cấp cho Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam - công ty con của Tập đoàn Nedspice - doanh nghiệp chế biến gia vị hàng đầu thế giới của Hà Lan (quốc gia không trồng tiêu). Nếu việc này duy trì lâu dài thì ngành hàng hạt tiêu của Việt Nam có thể vẫn tăng trưởng, nhưng sẽ chậm phát triển tương đối so với nhiều quốc gia khác trong khu vực.

Do đó, muốn tồn tại và phát triển được thì hạt tiêu Việt Nam nói chung và Bình Phước (toàn tỉnh có 16.452 ha hồ tiêu, chiếm 10,77% diện tích hồ tiêu cả nước) nói riêng cần phải khẳng định giá trị sản phẩm trên thị trường thông qua việc xây dựng và phát triển thương hiệu. Đây là việc làm rất cần thiết, không những đem lại nguồn lợi lớn về kinh tế mà còn giúp người tiêu dùng nhận biết, lựa chọn đúng sản phẩm và dịch vụ của địa phương, góp phần bảo vệ danh tiếng vốn có đối với nông sản đặc trưng của đất nước, của tỉnh, tránh bị lạm dụng hoặc giả mạo. Đây còn là cơ hội đưa Bình Phước trở thành điểm đến của các nhà đầu tư quốc tế.

Tuy nhiên, để xây dựng được thương hiệu và phát triển ngành hồ tiêu bền vững, các cấp và ngành chức năng, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có những giải pháp cụ thể và kiên quyết trong việc rà soát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch, phát triển hồ tiêu của từng địa phương, từ đó đề xuất những điều chỉnh cần thiết. Đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra và có biện pháp hạn chế tối đa việc phát triển hồ tiêu ngoài vùng quy hoạch. Khuyến khích sự tham gia tích cực và chủ động từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cũng như các cơ quan quản lý tại địa phương, nhất là người trồng tiêu, những chủ thể chính tham gia trong chuỗi giá trị khẳng định thương hiệu...

Đồng thời, vận động các doanh nghiệp chế biến đa dạng hóa sản phẩm có chất lượng cao từ hạt tiêu; tăng cường hướng dẫn và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tổ chức liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ hồ tiêu an toàn bền vững, hiệu quả. Nhất là phải khuyến khích, động viên, hỗ trợ người trồng tiêu không phát triển cây tiêu bằng việc tăng diện tích mà nghiên cứu để tăng năng suất, nhưng vẫn bảo đảm chất lượng hạt tiêu theo quy định của quốc tế bằng những giải pháp như: Tái canh vườn tiêu già cỗi; bảo tồn nguồn tài nguyên đất và nước phù hợp với sự phát triển của tiêu để cây trồng này thích ứng với biến đổi khí hậu; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón có nguồn gốc tự nhiên để tránh thoái hóa đất...

Lâm Phương

  • Từ khóa
108837

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu