Thứ 6, 19/04/2024 11:07:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 14:18, 25/04/2014 GMT+7

Một trường chuẩn còn nhiều thứ phải... chỉnh

Thứ 6, 25/04/2014 | 14:18:00 267 lượt xem

Đạt danh hiệu chuẩn quốc gia mức độ I là minh chứng rõ nét, khẳng định bước tiến về chất lượng dạy và học của trường Tiểu học Đắk Ơ, xã Đắk Ơ (Bù Gia Mập). Tuy nhiên, thực trạng cơ sở vật chất đang xuống cấp, trang thiết bị thiếu làm cho danh hiệu trường chuẩn vô tình bị mất giá trị.

Nỗ lực đạt chuẩn

Trường Tiểu học Đắk Ơ được thành lập từ năm 1976 chỉ có 5 lớp học với 7 giáo viên đứng lớp, phòng dựng bằng vách gỗ lợp tranh tre, không có sân chơi bãi tập, không có phòng chức năng. Tình trạng học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số nghỉ học, bỏ học giữa chừng ở những năm đầu diễn ra khá phổ biến.

Sau gần 40 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay trường có 51 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó có 40 giáo viên trực tiếp giảng dạy, 100% giáo viên đạt chuẩn. Năm học 2009-2010, trường có 10 giáo viên dạy giỏi cấp huyện, 1 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Đặc biệt năm học 2010-2011, trường có 1 giáo viên đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, 24 giáo viên dạy giỏi cấp trường. Trường còn có 14 sáng kiến kinh nghiệm cấp huyện, một sáng kiến cấp tỉnh. Năm học vừa qua, tỷ lệ học sinh giỏi, tiên tiến chiếm hơn 70%. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được nâng cấp. Hiện trường có 30 lớp, trong đó 14 lớp học 2 buổi/ngày, những năm tiếp theo trường phấn đấu mở thêm lớp học 2 buổi nhằm đáp ứng nhu cầu của học sinh và phụ huynh. Diện tích toàn trường có 10.500m2 với 22 phòng học, một thư viện gồm hơn 6.000 đầu sách phục vụ tốt giảng dạy và học tập, nghiên cứu; có sân chơi, bãi tập, hệ thống nước sạch hợp vệ sinh... Trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ I vào cuối năm 2012.

Cơ sở vật chất xuống cấp

Là trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I, nhưng khi chứng kiến tận mắt cơ sở vật chất, trang thiết bị, chúng tôi mới thấy những bất cập tại đây. Hiện trường có 7 phòng (dành cho 14 lớp) được xây dựng từ đầu những năm 90 đang xuống cấp dù đã nhiều lần sửa chữa. Bàn ghế cũ kỹ, cửa ra vào, cửa sổ đã hư hỏng hoặc không còn, mái lợp bị dột. Nhà trường đã nhiều lần đề nghị UBND xã đầu tư xây dựng mới, tuy nhiên ngân sách hạn hẹp nên vẫn chưa thực hiện được.


Lớp học tại dãy phòng đang xuống cấp, bàn ghế cũ kỹ, cánh cửa hư hỏng

Theo quy định của trường chuẩn về cơ sở vật chất phải có các phòng chức năng, như: Phòng hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giáo viên, hoạt động đội, giáo dục nghệ thuật, y tế học đường, thiết bị giáo dục và phòng thường trực. Thế nhưng, do thiếu phòng nên nhà trường phải lấy 4 phòng ở khu tập thể của giáo viên làm phòng y tế, phòng thiết bị, phòng đội và nhà kho. Khó khăn nữa là trường có một lớp dạy phụ đạo cho trên 20 em có học lực yếu, không qua lớp mẫu giáo, các em người Xêtiêng... nhưng phải học tại phòng mượn. Giáo viên lưu trú trong khu tập thể phải thuê trọ bên ngoài. đây là một trong những nguyên nhân khó thu hút được giáo viên ở ngoài xã về giảng dạy. Riêng phòng giáo dục nghệ thuật (1 phòng mỹ thuật, 1 phòng âm nhạc) không có nên giáo viên và học sinh phải thực hành ngay tại phòng học. Bên cạnh đó, thiết bị của các môn học này đều thiếu, như: Giá vẽ, đàn organ... gây khó cho việc dạy và học.

Hiện trường có 30 lớp, mỗi lớp 37 học sinh. Như vậy, so với quy định trường chuẩn “Trường có tối đa không quá 30 lớp, mỗi lớp có tối đa không quá 35 học sinh”, thì tổng số học sinh của trường đang vượt 60 em. Cô Nguyễn Thị Thúy Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Do địa bàn xã rộng, đông dân, lao động tự do về cư trú tại đây nhiều nên 3 trường tiểu học của xã vẫn chưa đáp ứng được số lượng học sinh ngày càng tăng. Để đáp ứng nhu cầu học tập, các trường khác cũng phải nhận dư số học sinh so với chỉ tiêu.

Trong giai đoạn này, nhà trường đang nỗ lực phấn đấu đạt danh hiệu trường chuẩn mức độ II vào năm 2016. Tuy nhiên với cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc như hiện nay thì trường rất khó có thể “cán đích”.

H.C

 

  • Từ khóa
84184

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu