Thứ 6, 29/03/2024 03:47:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 16:30, 06/01/2017 GMT+7

“Một trong nhiều người”- đậm tính nhân văn

Thứ 6, 06/01/2017 | 16:30:00 78 lượt xem

BP - Vươn lên từ nghèo khó nên khi có tiền nhàn rỗi, một số chị em ở ấp Trà Thanh, xã Thanh An (Hớn Quản) đã tình nguyện ủy thác cho Hội phụ nữ để giúp các chị khó khăn phát triển kinh tế. Tuy số vốn không lớn nhưng nhờ ý nghĩa tương thân, tương ái lan tỏa nên đến nay mô hình tự phát “Một trong mười” đã phát triển thành “Một trong nhiều người”. Nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ này nhiều phụ nữ ấp Thanh Trà nói riêng, xã Thanh An nói chung đã thoát nghèo, xây dựng cơ sở hội vững mạnh và thực hiện tốt các phong trào tại địa bàn.

HÀNH ĐỘNG THIẾT THỰC, Ý NGHĨA

Cách đây 5 năm, từ ý tưởng muốn giúp đỡ những chị em có kinh tế khó khăn trong ấp, bà Nguyễn Thị Hồng (SN1963), hội viên Chi hội phụ nữ ấp Trà Thanh đã đề xuất cách vận động chị em khá có vốn nhàn rỗi giúp chị em khó. Ban đầu, mô hình có tên “Một trong mười” với ý nghĩa một chị khá giúp vốn cho 10 chị để chăn nuôi, trồng trọt cải thiện kinh tế gia đình. Bà Hồng cho biết: Lúc mới hoạt động, mỗi chị khó khăn chỉ được vay 3-4 triệu đồng/lần/năm, sau này nâng lên 7-10 triệu đồng. Thấy mô hình mang lại hiệu quả, có ý nghĩa nhân văn nên thời gian sau, một số chị khá như Vũ Thị Lý, Nguyễn Thị Xứng, Lê Thị Ngoan cũng mạnh dạn cho hội mượn tiền giúp chị em khó khăn.

Chị Lê Thị Thăng ở tổ 3, ấp Trà Thanh đã 2 lần được vay vốn từ mô hình “Một trong nhiều người” để phát triển kinh tế 

Bà Hồng cho biết: Có được cơ ngơi như hôm nay tôi cũng trải qua những ngày gian nan, nghèo khó. Nhớ lại ngày xưa không có vốn làm ăn, phải đi vay lãi cao nhưng người ta không cho vay vì sợ không trả được nên tôi rất đồng cảm với chị em khó khăn. Tôi làm để giúp mọi người là chính nên cũng không lo sợ mất vốn. Tuy vậy, hội phụ nữ và ấp trưởng cũng đứng ra bảo lãnh, cam đoan nên tôi tin mình càng làm việc nghĩa thì người không phụ. Chính vì vậy, 5 năm qua bà Hồng đã cho hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, hội nông dân mượn hơn 400 triệu đồng giúp nhiều hội viên phát triển kinh tế.

Chị Vũ Thị Lý hiện cho hội viên phụ nữ vay 200 triệu đồng và dự tính thời gian tới sẽ “rót” thêm để đáp ứng nhu cầu thực tế. Chị nói: “Tôi thấy nhiều chị em còn khổ nên giúp vốn để họ nuôi heo, dê, mua tiêu giống, mở tiệm tạp hóa. Một số chị trong ấp như Lê Thị Bông, Nguyễn Thị Lệ, Đặng Thị Sanh... đã vươn lên khá rõ nên tôi rất vui vì thấy việc làm của mình có ích. Với số tiền nhàn rỗi đó, tôi nghĩ mỗi người có lựa chọn khác nhau nhưng phần lớn chỉ để có lợi cho gia đình mình. Nhưng tôi chọn cách giúp chị em để ai cũng thấy vui”. Chị Trần Thị Thiện Thu, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thanh An nói: Các chị cho vay vốn lấy lãi rất thấp (1%), 3 tháng mới thu lãi/lần nhưng phần lớn đều lấy số tiền đó ủng hộ các phong trào từ thiện, nhân đạo của địa bàn.

HIỆU QUẢ LỚN, LAN TỎA NHANH

Chị Lê Thị Thăng, hội viên phụ nữ tổ 3, ấp Trà Thanh đã 2 lần được vay vốn từ mô hình “Một trong nhiều người”, mỗi lần 5 triệu đồng. Chị Thăng cho biết: “Năm 2013, tôi mượn vốn để mua dê giống và năm tiếp theo mua dây tiêu. Từ đó, tôi có thêm động lực phát triển đàn dê và chăm sóc vườn tiêu ngày càng tốt hơn. Số vốn tuy nhỏ, nhưng tôi thấy phù hợp với điều kiện phụ nữ nông thôn vì dễ vay, dễ trả, thủ tục đơn giản, không cần thế chấp, lãi suất thấp. Gia đình tôi tuy ít đất (2 sào) nhưng nhờ học hỏi, áp dụng khoa học - kỹ thuật nên vừa trồng 400 nọc tiêu vừa nuôi dê. Hiện 3 con đã lớn, có việc làm nên không còn khó khăn như trước, kinh tế ổn định. Nhờ có vốn, tôi mới mạnh dạn phát triển sản xuất, tăng thu nhập và có cuộc sống ấm no hiện nay”.

Trong 5 năm qua, các chị Trần Thị Hồng, Vũ Thị Lý, Nguyễn Thị Xứng đã và đang cho 175 lượt hội viên phụ nữ ấp Trà Thanh vay 400 triệu đồng. Cách làm này đang dần phát triển và lan tỏa toàn xã Thanh An. Chị Trần Thị Thiện Thu chia sẻ: Hiện các chi hội phụ nữ khác cũng đang phát triển cách làm này nhưng chưa quy mô bằng Trà Thanh, điển hình như Chi hội phụ nữ An Hòa có 1 tổ với khoảng 15-20 chị em tham gia. Tôi nhận thấy cách làm này không những giúp được nhiều chị em xóa đói giảm nghèo mà còn thu hút hội viên góp phần xây dựng và phát triển, nâng cao vai trò hội đối với phụ nữ, nhất là chị em đồng bào dân tộc thiểu số. Số vốn tuy nhỏ nhưng lại giúp được nhiều chị em, đáp ứng nhu cầu vốn để phát triển sản xuất, phù hợp với tình hình thực tế địa bàn. Hơn nữa cách làm này còn đem lại hiệu quả bền vững, có ý nghĩa thiết thực, lan tỏa nhanh, được chị em ủng hộ và đánh giá cao. Vì vậy, bên cạnh nhân rộng mô hình, thời gian tới hội sẽ tăng cường quản lý vốn chặt chẽ để vận động nhiều hơn những chị khá giúp hội viên khó khăn phát triển kinh tế. 

Năm 2016, 13/14 chi hội phụ nữ xã Thanh An tham gia nuôi heo đất với tổng hơn 36 triệu đồng. Trong đó đã xây dựng được 1 nhà mái ấm tình thương tặng chị Thị Bé, Chi hội phụ nữ Bù Dinh 10 triệu đồng; tặng 10 sổ tiết kiệm với tổng 15 triệu đồng; tặng học bổng 16 học sinh, tổng 3,2 triệu đồng. Các chi hội vận động được 177kg gạo tặng 17 hội viên khó khăn. Đặc biệt mô hình “Một trong nhiều người” của Hội Phụ nữ xã Thanh An là điển hình, cách làm hay trong học tập và làm theo gương Bác được các cấp tuyên dương, đề nghị nhân rộng và phổ biến trong thời gian tới.

P.Dung

  • Từ khóa
57542

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu