Thứ 4, 24/04/2024 04:32:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 09:21, 27/07/2016 GMT+7

Một thương binh vượt khó

Thứ 4, 27/07/2016 | 09:21:00 72 lượt xem
BP - Có mặt tại trận chiến 81 ngày đêm rực lửa ở Quảng Trị và bị thương trong lúc chiến đấu, đó là thương binh hạng 4/4 Nguyễn Đình Đao (SN1950), ngụ ấp Tân Hòa, xã Tân Tiến (Bù Đốp). Mặc dù thương tật nhưng ông đã vượt qua khó khăn phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Ông Đao cùng vợ là bà Lê Thị Lục và cháu nội trong vườn tiêu cho năng suất cao của gia đìnhÔng Đao cùng vợ là bà Lê Thị Lục và cháu nội trong vườn tiêu cho năng suất cao của gia đình

Những năm tháng hào hùng

Ông Nguyễn Đình Đao sinh ra và lớn lên tại xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An). Năm 1968, ông nhập ngũ và được biên chế vào Trung đoàn 64 (Trung đoàn Quyết Thắng), Sư đoàn 320, là một trong những đơn vị chủ lực thuộc Quân đoàn 3.

Là cựu chiến binh có nhiều thành tích trong kháng chiến, ông thường xuyên đến các buổi sinh hoạt chi đoàn ở ấp Tân Hòa và một số trường học trong xã, kể lại những năm tháng hào hùng, gian khổ trong chiến tranh để giáo dục truyền thống yêu nước cho giới trẻ. Chúng tôi đến xã Tân Tiến lúc ông cùng 2 cựu chiến binh đang kể về đơn vị chủ lực phòng thủ thị xã Quảng Trị trong suốt 81 ngày đêm lịch sử (26-6-1972 đến 15-9-1972) với giọng hào hùng, đôi khi chùng xuống khi nhắc tới những đồng đội đã hy sinh.

Ông Đao kể: “Cuối năm 1972, tôi cùng đồng đội chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, tình báo địch ở Pleiku (Gia Lai) tìm mọi cách theo dõi từng động tĩnh của sư đoàn, vì theo chúng “Sư đoàn 320 chính quy có mặt ở chỗ nào thì ở đó sẽ có đánh lớn”. Đối với đợt hoạt động quy mô lớn và quan trọng thì việc giữ bí mật lực lượng, thời gian tác chiến phải được đặt lên hàng đầu. Khi đó tôi là Trung đội phó Trung đội vệ binh làm nhiệm vụ bảo vệ chỉ huy sở tiền phương. Trong một lần kiểm tra vòng ngoài, tổ bảo vệ gồm 3 người phát hiện thám báo địch. Tôi cùng 2 đồng đội đã đánh lạc hướng chúng, không để địch tiến sâu vào trong rừng. Hoàn thành nhiệm vụ nhưng 2 đồng đội của tôi đã hy sinh, còn tôi bị thương nặng được các đồng đội khác cứu kịp thời. Giây phút hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi là lúc thần tốc tiến vào Sài Gòn, tiến thẳng đến Dinh Độc Lập, nhân dân 2 bên đường vẫy cờ cùng reo vang đón những người con từ chiến trường trở về”.

Gian khó không sờn lòng

Năm 1976, ông Đao phục viên về Nghệ An. Đến năm 1987, ông cùng gia đình vào Bình Phước làm kinh tế mới.

Thời gian đầu, gia đình ông trồng lúa, bắp, đậu để có lương thực, sau đó trồng xen điều lấy ngắn nuôi dài. Nhận thấy điều ở Bù Đốp sản lượng và chất lượng không bằng Phước Long và các vùng khác, năm 1992, ông Đao chuyển sang trồng 2 ha cao su và 4.000 nọc tiêu, thời điểm giá cao su và tiêu xuống mức thấp nhất. Trồng tiêu leo cây keo, ông lấy lá keo nuôi dê để tăng thu nhập. Ông Đao nói: “Tôi chia cho các con đất và cây trồng để phát triển sản xuất, chỉ giữ lại 400 cây cao su và 400 nọc tiêu để làm vốn vợ chồng già nuôi nhau. Thành công nhất của tôi là cho các con một gia đình có nền tảng giáo dục tốt, nuôi được 4 người con ăn học. Sau khi ra trường, 2 con trở thành công an, 1 người làm ở Bảo tàng tỉnh tiếp tục kể lại những câu chuyện hào hùng của cha anh thông qua các hiện vật với thế hệ sau”.

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Tiến Trịnh Xuân Cừ cho biết: Là thương binh nhưng ông Đao đã vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, tích cực lao động sản xuất, có thời điểm còn tạo việc làm cho một số người dân trong xã. Không chỉ nỗ lực phát triển kinh tế, ông còn tích cực tham gia các phong trào ở địa bàn. Ông hiện là ủy viên Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh xã, Chi hội trưởng Chi hội người cao tuổi ấp Tân Hòa. Ông Đao chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất và cùng ban ấp vận động nhân dân đóng góp làm đường giao thông nông thôn, góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới.  

Tuyết Ly

  • Từ khóa
55987

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu