Thứ 6, 29/03/2024 16:32:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 09:58, 04/10/2015 GMT+7

Một thói quen tốt

Chủ nhật, 04/10/2015 | 09:58:00 219 lượt xem

BP - Trong lịch sử, người Do Thái được biết đến là một sắc tộc tôn giáo có nguồn gốc từ Israel. Người Do Thái hiện nay đều coi thủy tổ của mình là ông Abraham (cũng là của người Hồi giáo - người Hồi giáo gọi là Ibrahim), ra đời cách đây khoảng 4000 năm và nhà tiên tri Moses, ra đời cách đây khoảng 3600 năm. Ông Mosses đã dẫn dắt các nô lệ người Do Thái chạy trốn khỏi Ai Cập và đến khu vực Bắc Israel hiện nay, rồi sau đó thống nhất 12 bộ lạc khác để lập ra Nhà nước Do Thái. Hiện nay, Israel là quốc gia Do Thái duy nhất trên thế giới, dân đa phần là người Do Thái. 



 

Người Do Thái từ xưa đến nay đều cho rằng, không có một sự thành công nào lại không đòi hỏi người ta phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt và thậm chí là cả xương máu của mình. Và xuất phát từ quan điểm này mà người Do Thái luôn khẳng định rằng: Ai quen lao động chăm chỉ, người đó sẽ có cuộc sống đầy đủ. Và trong Kinh thánh của người Do Thái có câu: Con người ta có đổ mồ hôi thì mới có cơm ăn, áo mặc. Theo các tài liệu lịch sử còn lưu lại đến ngày nay thì ngay từ thời xa xưa, người Do Thái đã phải lao động rất vất vả để kiếm sống trên vùng đất khô cằn bên bờ biển Địa Trung Hải. Thời kỳ bị Ai Cập nô dịch, họ đã phải lao động cực nhọc ngoài đồng ruộng mà cuộc sống vẫn khốn khổ. Lao động của họ bị đàn áp bởi giặc ngoại xâm nên khó có thể đạt được kết quả lớn.

Nhưng người Do Thái luôn tâm niệm rằng, những kẻ lười biếng sẽ suốt đời không làm nên công cán gì. Thượng đế chỉ thích thưởng cho những người biết cần lao. Và có lẽ vì thế, một trong những biện pháp quan trọng để bảo tồn giống nòi của người Do Thái là họ phải không luyện được thói quen cần cù lao động. Đó chính là mấu chốt của mọi thành công đối với nhiều người Do Thái, dù họ ở bất cứ quốc gia nào và câu chuyện trong cuốn sách “Người Do Thái dạy con” dưới đây là một minh chứng. Chuyện kể lại rằng, lúc đầu, người khổng lồ của ngành điện báo Sarnoff có gia cảnh cũng vô cùng nghèo khó, nên anh ta không có cơ hội để đi học. Từ nhỏ, anh ta đã phải tranh thủ vừa học vừa đi làm thuê để kiếm sống. Học hết tiểu học, do gia đình quá túng bấn nên anh ta đành phải dừng lại việc học để kiếm tiền phụ gia đình.

Năm 15 tuổi, Sarnoff đã lĩnh trách nhiệm nuôi sống cả gia đình. Anh vừa đi kiếm tiền vừa tranh thủ tự học để mình có một cái nghề ổn định. Hồi đó, anh xin được làm người chuyên đưa báo cho công ty bưu điện. Công việc của anh vô cùng vất vả. Mỗi ngày anh phải đưa khoảng 20 bức điện báo. Thậm chí một bức điện báo phải đi mất vài dặm. Khi anh về đến nhà thường đã 2 hoặc 3 giờ sáng và luôn trong tâm trạng vừa đói vừa mệt, có lúc anh tưởng chừng mình không thể bước thêm được nữa. Tuy nhiên, anh vẫn vạch ra cho mình kế hoạnh phải làm một việc gì đó trong tương lai.

Hồi đó, rất ít người nắm được phương pháp thao tác truyền điện mật mã Morss. Và anh đã tìm đủ mọi cách để rút ngắn thời gian đưa điện báo rồi tranh thủ thời gian học tập. Với người chỉ có trình độ sơ cấp như anh, mức độ tiếp thu là vô cùng khó khăn. Nhưng với sự quyết tâm và nỗ lực phi thường, anh đã học được kỹ thuật khó này. Với thành công đó, anh đã được đặc cách thăng chức làm điện báo viên. Trong phòng nghiên cứu của công ty, anh đã hoàn thành khóa học về công trình điện khí và chế tạo thành công điện đài có công suất mạnh nhất trên thế giới lúc đó. Công việc điện báo trong một thời gian dài đã khiến anh nhanh nhạy phát hiện ra rằng thị trường kỹ thuật vô tuyến điện có triển vọng phát triển vô cùng to lớn. Năm 30 tuổi, anh đã được đề bạt làm tổng giám đốc của công ty kỹ thuật cao. Thành tích siêu việt của anh lúc đó là vô cùng hiếm.

Lời bàn:

Cần cù và lười biếng đều là một thói quen, ai quen thói nào sẽ có cuộc sống tương xứng với thói quen ấy. Tuy nhiên, để có được thói quen tốt thì con người cần phải được giáo dục ngay từ nhỏ. Song, không phải cách giáo dục nào cũng mang lại hiệu quả cao mà mỗi người làm cha, làm mẹ phải hiểu được con mình để có giải pháp tối ưu nhất. Và người Do Thái có câu nói nổi tiếng rằng: Cha mẹ đừng làm quản gia mà hãy làm quân sư cho con. Ý nghĩa của câu nói này là cha mẹ chỉ là người hướng dẫn, tư vấn cho con, chứ đừng quá bao bọc và làm thay con mọi việc. Đặc biệt là không bao giờ rơi vào căn bệnh 421 (4 ông bà nội ngoại, 2 bố mẹ vây quanh 1 đứa trẻ), vì điều đó chẳng khác nào cha mẹ sẵn sàng là nô lệ của con và việc ấy chỉ đầu độc trẻ mà thôi.

Và ngày nay, mọi người đều thừa nhận rằng chẳng có ai thành công mà lại không một lần gặp thất bại. Với trẻ, thất bại cũng rất quan trọng. Phải để trẻ thử điều mới, phải biết liều lĩnh, để trẻ hiểu rằng không phải mọi điều đều thành công. Đặc biệt là khi con, cháu làm sai, không phán xét trẻ, mà hãy để trẻ học hỏi từ thất bại của chính mình và từ đó tìm ra cách làm khác vào lần sau. Tiếc rằng điều đơn giản ấy không phải ai cũng biết. Bởi thế mới có không ít đại gia nuôi con theo kiểu muốn gì được nấy và cuối cùng là những “cậu ấm”, “cô chiêu” sớm trở thành kẻ tán gia bại sản chỉ vì ăn chơi, hút chích.

N.D

  • Từ khóa
109715

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu