Thứ 5, 25/04/2024 20:54:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 09:36, 06/08/2017 GMT+7

Một tấm lòng son

Chủ nhật, 06/08/2017 | 09:36:00 359 lượt xem

BP - Hà Tông Mục có tên gọi khác là Hà Tôn Mục, tên chữ là Hậu Như, hiệu là Thuần Như, Chuyết Trai, Đôn Phủ. Ông sinh năm 1653, mất năm 1707, là danh thần nổi tiếng triều Lê, có nhiều công trạng to lớn đối với đất nước; là người có ân tình sâu nặng với quê hương trong đạo lý truyền thống Việt Nam và có tư tưởng đổi mới, dân chủ. Ông quê làng Tỉnh Thạch, huyện Thiên Lộc (xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh).

Dòng họ Hà của ông là dòng họ khoa bảng, các đời đều có người là trụ cột của đất nước, như cụ Hà Tông Trình (1434-1511) từng là Thượng thư bộ Binh, bộ Hình, bộ Công, Tế tửu Quốc Tử Giám thời Lê sơ. Bản thân Hà Tông Mục là một kiện tướng chốn khoa trường. Ông đỗ tiến sĩ năm 1688, lại đỗ đầu kỳ thi ứng chế, tức kỳ thi dành cho các tiến sĩ ở điện Vạn Thọ, đầu bài do chính nhà vua ra. Mấy năm sau, Hà Tông Mục lại thi đỗ khoa Đông Các - khoa thi đặc biệt chỉ dành cho những người đã đỗ tiến sĩ và đang làm quan.

Minh họa: S.H

Ông từng giữ các chức quan như: Lại khoa cấp sự trung (kiểm tra công việc quan lại, tổ chức); Nội tán (dạy học cho con, cháu vua chúa); Thủy sư; Biên tu quốc sử quán; Đốc đồng (trấn giữ) hai xứ Tuyên - Hưng; Phủ doãn phủ Phụng Thiên (đứng đầu kinh đô); Chánh sứ; Tả thị lang bộ Hình (đứng thứ hai sau thượng thư, hàng tam phẩm). Năm 1699, nhà Thanh xâm lấn Bảo Lạc (Cao Bằng), Hà Tông Mục và Nguyễn Hành đã lui được giặc trong cuộc đấu tranh ngoại giao với Sầm Trì Phượng.

Năm 1703, ông đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Hà Tông Mục đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giữ được hòa hiếu 2 nước, khiến vua nhà Thanh là Khang Hy hết sức cảm phục, tặng cho một bức đại tự do chính Khang Hy viết “Nhược xung hiên”, khắc gỗ và sơn son tại Trung Quốc, hiện còn giữ tại đền thờ Hà Tông Mục ở quê. Ba chữ đó có nghĩa là “khiêm nhường, trí tuệ, chí khí cao cả”.

Đánh giá công trạng của Hà Tông Mục, các triều Lê, Nguyễn đã có 8 đạo sắc phong. Sắc phong năm 1693 viết: Sắc ban Hà Tông Mục người có tâm thuật, giỏi gánh vác việc công, am tường về từ chương. Sắc phong năm 1707 viết: Sắc quang tiến Vinh lộc đại phu bồi tụng Hình bộ Tả thị lang Hoan lĩnh nam Hà Tông Mục, dự trúng tiến sĩ, trải giữ các chức; phụng sự lâu năm, đi sứ phương Bắc, chăm lo việc nước có công, nay mất khi tại chức, thực đáng xót thương. Chuẩn y tặng: Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu (hàm chánh nhất phẩm) Công bộ thượng thư.

Ngày nay, ở quê ông vẫn còn lưu truyền giai thoại về ông như sau: Khi ông còn sống, nhân dân đã lập đền thờ, gọi là Sinh từ. Trong bia Sùng chỉ còn lưu ở xã Tùng Lộc có đoạn viết: Hà Tông Mục sinh ra tính trời dĩnh ngộ, bảy, tám tuổi đã thông Thi, Lễ... Ông đối với quê hương ơn sâu, đức dày; có nhiều công trừ tai họa, xóm làng đều bội phục, xin tôn thờ công và phu nhân làm hương tổ phụ mẫu... Đáp lại thịnh tình này, Hà Tông Mục đã viết: Việc trung cần đối với nước, việc hiếu thuận đối với nhà, ăn ở hòa mục với dân làng là chức phận đương nhiên của tôi vậy. Sau này, kẻ hậu sinh có chí thì noi theo, có lòng thì cảm nhận. Ngày nay mọi người đã suy nghĩ như vậy (lập sinh từ) cũng là lẽ trời, lòng người. Nay xin tự tạ.

Hà Tông Mục không coi bản thân mình là trọng. Cái đáng trọng là lẽ trời, lòng người. Điều ông muốn hậu sinh cảm nhận và noi theo cũng chính là chỗ đó. Điều ông nhớ đầu tiên là nhớ về hai người mẹ: Danh vọng và sự nghiệp của ta là nhờ ở hai người mẹ. Một bà sinh ra ta và một bà họ Đỗ (mẹ vợ) cần được ghi nhận và tế tự cùng tổ tiên muôn đời. Và ông viết trong di chúc về người mẹ vợ họ Đỗ như sau: Bà nhạc mẫu họ Đỗ của ta, khi ta đi du học ở kinh đã chăm lo cho ta mọi việc học hành, sách vở, quần áo cho đến dụng cụ học tập nhất nhất đều lo liệu chu đáo. Đợi đến 10 năm, khi con gái lớn lên mới gả cho ta. Công lao ấy không bao giờ ta quên được.

Di chúc của ông viết về 2 bà vợ thật vô cùng cảm động: Hai bà vợ của ta: một người là con gái trưởng dòng họ Vũ ở thôn Thuần Chân, xã Nội Thiên Lộc là Vũ Thị Lâm, hiệu Từ Tĩnh, từ thuở nhỏ đã kết tóc xe duyên cùng ta, theo chồng làm lụng, trông nom cửa nhà; một người là con gái trưởng của quan huyện thừa Thanh Hà (Hải Dương), họ Vũ, quê ở xã Ngọc Trì, huyện Lang Tài, thuộc Kinh Bắc... Xưa kia phụ thân ta giỏi về phương pháp chữa bệnh, nhân khi chữa khỏi bệnh cho họ, họ muốn gả con gái cho ta. Khi ta xa cách, gia đình muốn gả con gái cho người khác, nhưng vợ ta giữ nghĩa nhất định không chịu...

Lời bàn:

Có lẽ người đương thời cũng như hậu thế ngày nay biết nhiều về ông là bởi trong ông có một tấm lòng ân tình vô cùng sâu nặng và cao hơn nữa là tư tưởng dân chủ, công bằng, yêu thương con người bao la của Hà Tông Mục. Bởi lẽ thời đại của Hà Tông Mục là thời đại suy vong của nhà Lê, thực quyền thuộc về họ Trịnh, trong khi đó nhà Thanh lại thường xuyên lăm le xâm lược và trong nước rối loạn, đạo lý suy vi. Thế nhưng, với tài năng lỗi lạc của mình, Hà Tông Mục đã đóng góp rất xứng đáng để giải quyết mối họa ngoại xâm, giữ yên đất nước, phát triển kinh tế - xã hội ở những nơi ông cai quản.

Và điều đáng trân trọng hơn nữa là trong thời nhiễu nhương ấy, Hà Tông Mục vẫn giữ được đạo lý tốt đẹp của dân tộc, đó là truyền thống thủy chung trong quan hệ gia đình, là tấm lòng son sắt với nhân dân. Có lẽ vì thế mà hậu nhân thời nay không thể nói gì thêm về đạo làm người, đạo làm quan và sự toàn vẹn riêng, chung trong con người Hà Tông Mục.

N.D

  • Từ khóa
109943

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu