Thứ 5, 25/04/2024 13:54:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:51, 03/10/2013 GMT+7

Một số giải pháp nhằm đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống

Thứ 5, 03/10/2013 | 08:51:00 27,536 lượt xem

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã chỉ rõ: Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Từ đó, nghị quyết xác định phải tập trung thực hiện tốt ba vấn đề cấp bách, trong đó vấn đề trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất là ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Để đấu tranh phòng, chống, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, các cấp ủy, cơ quan, đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh một cách thiết thực, hiệu quả. Mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác học tập, rèn luyện; phải có chương trình hành động cụ thể, thiết thực, tạo được bước chuyển biến sâu sắc về nhận thức, quyết tâm sửa mình theo tấm gương của Bác. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cần được tiến hành một cách toàn diện, song phải có trọng tâm, trọng điểm nhằm nâng cao nhận thức chính trị, giác ngộ giai cấp, giác ngộ cách mạng của cán bộ, đảng viên về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, hết lòng phấn đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên phải “tự răn mình” trước những cám dỗ về danh lợi, vật chất, tránh rơi vào chủ nghĩa cá nhân, thống nhất giữa lời nói và việc làm, gương mẫu chấp hành chỉ thị, nghị quyết, Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thường xuyên cảnh giác, chủ động phòng ngừa, đấu tranh phê phán những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng; làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ; giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội.  

Cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ trẻ phải thông qua hoạt động thực tiễn, trui rèn trong các phong trào hành động cách mạng, gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân để trưởng thành. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên phải học lý luận, phải đem lý luận áp dụng vào công việc thực tế”. Kết quả hoạt động thực tiễn là tiêu chí quan trọng nhất đánh giá phẩm chất và năng lực của cán bộ, đảng viên. Qua hoạt động thực tiễn, tiếp xúc với công việc, với quần chúng, cán bộ, đảng viên có điều kiện rèn luyện, phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm để hoàn thiện mình, thực sự trở thành những người đầy tớ, công bộc tận tụy của nhân dân.

Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Trong công tác, trong tranh đấu, trong huấn luyện, các đảng viên, các cán bộ, cần phải luôn luôn tự hỏi mình, tự kiểm điểm mình và đồng chí mình. Luôn luôn dùng và khéo dùng cách phê bình và tự phê bình, thì khuyết điểm nhất định hết dần, ưu điểm nhất định thêm lên và Đảng ta nhất định thắng lợi”. Tự phê bình và phê bình là việc làm thường xuyên trong sinh hoạt đảng, mục đích là để tự tu dưỡng, giúp nhau cùng tiến bộ và củng cố đoàn kết nội bộ. Hiện nay, chất lượng, hiệu quả sinh hoạt tự phê bình và phê bình có phần giảm sút. Ngay trong đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, thực trạng “nể nang, né tránh, ngại va chạm”, “dĩ hòa vi quý”, cấp dưới không dám phê bình khuyết điểm của cấp trên vẫn còn khá phổ biến (trích dẫn từ tài liệu tuyên truyền kết quả một năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) do Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn). Tự phê bình và phê bình chỉ thật sự đạt kết quả cao khi cấp ủy và người đứng đầu nêu cao tính tiên phong gương mẫu, gợi mở và chân thành tiếp thu nghiêm túc tất cả các ý kiến đóng góp (cả mặt ưu điểm và hạn chế, khuyết điểm).

Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, nhất là ở cơ sở. Đấu tranh phòng, chống suy thoái đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên phải bắt đầu từ cơ sở, trước hết phải nâng cao sức chiến đấu của chi bộ, đảng bộ. Tăng cường quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện Quy định số 76-QĐ/TW, ngày 15-6-2000 của Bộ Chính trị về “Đảng viên đang công tác ở cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, đảng ủy cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú”, nhằm khắc phục những biểu hiện quan liêu, xa dân, thiếu trách nhiệm của đảng viên với những công việc của người dân ở cơ sở.      

Chính Trực

  • Từ khóa
1251

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu