Thứ 7, 20/04/2024 19:19:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:02, 20/01/2018 GMT+7

Một quyết định nhân văn

Thứ 7, 20/01/2018 | 08:02:00 105 lượt xem

BP - Phát biểu tại hội nghị trực tuyến về triển khai công tác tòa án ở nước ta trong năm 2018, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, từ năm 2018 sẽ dừng việc tổ chức xét xử các phiên tòa lưu động. Quyết định này của người đứng đầu ngành tòa án đã tạo nên những ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, phần đông dư luận, các nhà chuyên môn cũng như những nhà nghiên cứu tâm lý xã hội ủng hộ quan điểm chỉ đạo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và đánh giá đây là một quyết định mang tính nhân văn.

Bình quân mỗi năm, ngành tòa án cả nước tổ chức xét xử hàng trăm ngàn vụ án các loại, trong đó khoảng 9.000 phiên tòa lưu động. Hầu hết các phiên tòa khi đưa ra xét xử lưu động đều là những vụ trọng án, án đặc biệt nghiêm trọng mà chủ yếu là các vụ án hình sự liên quan đến an ninh trật tự, an toàn xã hội gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận như giết người, cướp tài sản, trộm cắp, đánh bạc, ma túy. Theo quan điểm của một số nhà làm luật trước đây, việc tổ chức phiên tòa lưu động là nhằm tuyên truyền cho người dân sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Đồng thời, việc xét xử lưu động còn là biện pháp răn đe các đối tượng khác. Qua phiên tòa lưu động sẽ giúp nhân dân nâng cao nhận thức, hiểu rõ hơn về các quy định của nhà nước trong đời sống xã hội để hạn chế tối đa hành vi vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc tổ chức phiên tòa lưu động chỉ đáp ứng một phần nhỏ về mặt phổ biến pháp luật, còn lại là giải quyết sự hiếu kỳ của quần chúng khi dự các phiên tòa. Đặc biệt, việc tổ chức phiên tòa lưu động tại nơi gây án, hoặc nơi đối tượng phạm pháp cư trú sẽ gây ra nhiều hậu quả xấu. Gia đình, người thân của thủ phạm sẽ bị ức chế về tâm lý khi con, cháu mình bị đưa ra xét xử, bị hàng xóm láng giềng xa lánh, kỳ thị... là những vết thương lòng rất khó phai. Các bị cáo khi bị đưa ra xét xử lưu động luôn có tâm lý mặc cảm, xấu hổ, từ đó rất khó tái hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành xong án phạt. Cũng có không ít trường hợp con cái của bị cáo phải nghỉ học, đi lập nghiệp ở nơi khác vì không chịu được dư luận xã hội khi cha, mẹ bị kết án. Trong khi đó, tại phiên tòa và khi bị tuyên án bị cáo chưa chắc có tội. Bởi thực tế, khi tòa cấp sơ thẩm tuyên án thì án chưa có hiệu lực thi hành và đương sự có quyền kháng cáo nên bị cáo chưa phải là người có tội. Ngoài ra, những lời khai của bị cáo, người có liên quan, cáo trạng của viện kiểm sát nhân dân được công bố tại phiên tòa lưu động là một hình thức “tái hiện lại tội ác” gây ra những phản cảm trong xã hội. Việc xét xử lưu động vụ án Nguyễn Hải Dương tại xã Minh Hưng (Chơn Thành) trước đây là minh chứng cho vấn đề này. Tại phiên tòa, những hành động vô cùng dã man, tàn độc, phi nhân tính của Nguyễn Hải Dương bị phơi bày trước bàn dân thiên hạ, trong đó có không ít trẻ em đang theo dõi phiên tòa.

Trong năm 2017, tòa án nhân dân hai cấp ở Bình Phước đã giải quyết 6.559 vụ án các loại, trong đó tổ chức xét xử lưu động được 80 vụ (án hình sự) với 113 bị cáo. Qua thực tế xét xử lưu động tại Bình Phước trong năm 2017 cho thấy, chỉ đạo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về dừng xét xử lưu động là một quyết định đúng đắn, hợp lý và mang tính nhân văn.

Tấn Phong

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu