Thứ 6, 26/04/2024 00:42:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:01, 25/11/2017 GMT+7

Một quy định thiếu sự đồng thuận

Thứ 7, 25/11/2017 | 08:01:00 109 lượt xem

BP - Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29-9-2017 của Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) quy định chi tiết Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6-1-2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai và sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư hướng dẫn thi hành Luật đất đai, đã thu hút sự quan tâm của dư luận cả nước thời gian qua. Theo đánh giá của các nhà khoa học, thông tư này rất khó khả thi vì không có sự đồng thuận cao trong xã hội và sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Theo Thông tư số 33, từ ngày 5-12-2017, trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) phải ghi đầy đủ tên tuổi các thành viên trong gia đình. Trước đây, sổ đỏ chỉ cấp cho 2 trường hợp là cấp cho hộ gia đình (chỉ ghi tên vợ chồng) và cấp cho cá nhân (người độc thân), ví dụ vợ chồng ông Nguyễn Văn A, bà Lê Thị B xin cấp sổ đỏ thì trên giấy chủ quyền đất chỉ ghi “cấp cho hộ ông Nguyễn Văn A và bà Lê Thị B”. Trường hợp thứ 2 cấp cho người độc thân, chưa lập gia đình riêng thì ghi “cấp cho ông Nguyễn Văn A”, tức chỉ cá nhân ông A là chủ sở hữu diện tích đất đó. Với Thông tư số 33, sổ đỏ hợp lệ phải ghi đầy đủ họ tên, năm sinh và số giấy tờ nhân thân của các thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Sau khi thông tư này ban hành và đặc biệt gần đến ngày có hiệu lực thi hành, hầu hết các nhà khoa học, giới chuyên môn và dư luận đã bày tỏ quan điểm không hài lòng về chủ trương phi thực tế, phiền hà của Bộ TN-MT. Vì pháp luật về dân sự đã quy định rõ quyền thừa kế của con cái trong gia đình. Cụ thể, con cái được nhận thừa kế theo di chúc do ông bà, cha mẹ, người thân để lại hoặc được chia theo pháp luật nếu không có di chúc. Hơn nữa, con cái không có công đóng góp vào tài sản chung của cha mẹ nên không thể ghi vào là chủ tài sản. Ví như, vợ chồng ông Nguyễn Văn A, bà Lê Thị B sau khi thành hôn nhờ chí thú làm ăn đã tạo dựng được đất đai và nhà ở. Khi đó, con cái của họ chưa sinh hoặc quá nhỏ thì làm gì có công sức đóng góp vào khối tài sản của cha mẹ. Vì vậy, việc ghi tên các con vào sổ đỏ vô tình đã giao cho con cái một phần tài sản mà chúng không hề bỏ công đóng góp là điều hết sức phi lý.

Ngoài ra, việc thêm tên các thành viên trong gia đình vào sổ đỏ sẽ làm rối thêm việc xác định chủ của tài sản và sẽ phát sinh tranh chấp nội bộ gia đình gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong giải quyết. Ngoài ra, việc đứng tên chung trong sổ đỏ sẽ tạo những rắc rối khi chuyển nhượng, cho, tặng, hay thực hiện các quyền thừa kế về sau là điều khó tránh khỏi. Nhiều người ví von Thông tư số 33 của Bộ TN-MT đã lặp lại Thông tư liên tịch số 24 ngày 21-8-2015 của liên Bộ Y tế và Bộ Giao thông - Vận tải quy định về “ngực lép” không được lái xe đã bị dư luận phản đối buộc phải bãi bỏ ngay sau khi vừa ký ban hành. Chính vì vậy, người dân rất mong Bộ TN-MT phải thực sự biết lắng nghe dư luận để điều chỉnh lại Thông tư số 33 một cách hợp lý, tránh phiền hà, rắc rối về sau.

Nhiều người dân ở Bình Phước cũng đã bày tỏ sự không đồng thuận với Thông tư số 33. Bởi trong cuộc sống hiện tại, những mâu thuẫn, tranh chấp đất trong nội bộ gia đình, tranh giành quyền thừa kế đất đang là vấn đề nóng ở tỉnh ta trong thời gian qua. Vì vậy, nội dung ghi tên các thành viên trong gia đình vào sổ đỏ như quy định của Thông tư số 33 là không cần thiết.

Tấn Phong

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu