Thứ 4, 24/04/2024 05:46:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 16:34, 03/06/2017 GMT+7

Một luật tục hay cần duy trì

Thứ 7, 03/06/2017 | 16:34:00 86 lượt xem

BP - Trong cộng đồng các dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn tỉnh Bình Phước, mỗi dân tộc có một nét văn hóa độc đáo. Đặc biệt, mỗi dân tộc đều có một luật tục riêng để bảo tồn các giá trị vật chất, tinh thần cũng như thiết chế văn hóa, quan hệ trong cộng đồng... dân tộc mình. Đồng bào dân tộc Hơmông ở thôn Sơn Tân, xã Phú Sơn (Bù Đăng) cũng có những luật tục được thực hiện rất nghiêm ngặt. Chính nhờ thực hiện tốt luật tục này mà an ninh trật tự ở Sơn Tân được đảm bảo, người dân đoàn kết chung sức phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới.

Bà Bùi Thị Phiện từ Huế vào Sơn Tân lập nghiệp từ năm 1996. Hơn 20 năm qua, bà Phiện đã chứng kiến nhiều đổi thay về kinh tế và trong đời sống của người dân thôn Sơn Tân. Đối với đồng bào Hơmông tuy đã có nhiều thay đổi về cuộc sống nhưng những tập quán về sinh hoạt văn hóa đặc thù vẫn luôn duy trì. Đặc biệt, một số luật tục về quy định những chuẩn mực đạo đức, về quan hệ cộng đồng, quan hệ gia đình... được người dân áp dụng trong cuộc sống hằng ngày.

Phạt nặng tội trộm cắp

Sơn Tân hiện có 168 hộ dân với nhiều thành phần dân tộc ít người cùng chung sống, trong đó 25 hộ dân là người Hơmông. Đồng bào Hơmông ở Sơn Tân có gốc gác từ huyện Bảo Thắng (Lào Cai) di cư vào Tây Nguyên, rồi chuyển đến những khu rừng già của Bù Đăng lập nghiệp trước năm 2000. Với tập quán du canh, du cư nên cuộc sống của người Hơmông hết sức khó khăn. Năm 2000, UBND huyện Bù Đăng xây dựng thôn Sơn Tân thành khu tái định cư cho đồng bào tại chỗ và đưa người Hơmông từ rừng sâu đến đây sinh sống... Hiện cuộc sống của người Hơmông có nhiều khởi sắc. Khu dân cư đã có điện, nước sạch, trường học. Các hộ dân biết chăm sóc vườn cây cà phê, chăn nuôi heo, gà ổn định cuộc sống. Kinh tế phát triển, đời sống đã no đủ nên người Hơmông ở thôn Sơn Tân đã phát huy cao độ các luật tục hay của dân tộc mình.

Phụ nữ Hơmông trong trang phục truyền thống

Bà Phiện kể: Trong hơn 20 năm chung sống với người Hơmông tại đây, tôi thấy bà con thực hiện rất nghiêm các quy định luật tục của dân tộc mình. Trong đó có việc xử phạt nặng những kẻ trộm cắp tài sản. Bà Phiện lấy ví dụ để tôi dễ hiểu, con trai nhà ông A vào nhà ông B lấy trộm tài sản bị ông C phát hiện. Ông C sẽ báo vụ việc với già làng, già làng xác nhận trưởng dòng họ của ông A là ai. Sau đó, già làng cùng trưởng họ sẽ làm việc với ông A để phạt vạ vì tội dạy dỗ con không theo khuôn phép dẫn đến làm điều xằng bậy, ảnh hưởng uy tín cộng đồng và xâm hại tài sản người khác. Việc xử phạt do già làng, trưởng họ và người chủ nhà bị mất trộm cùng bàn bạc. Sau đó thống nhất việc xử phạt bao gồm trâu, bò, heo, gà để tổ chức một bữa tiệc mời cộng đồng. Tiệc được tổ chức tại nhà chung hay nhà của già làng hoặc sẽ chọn một ngôi nhà to trong xóm và gia đình người bị mất trộm sẽ là chủ tiệc. Trong bữa tiệc phạt vạ đó, cha con ông A phải quỳ giữa nơi hành lễ để nghe làng tra hỏi chuyện ăn trộm; để già làng, mọi người lên án việc làm phi pháp và buộc kẻ “gây án” hứa nhận lỗi, thề không tái phạm.

Bà Vàng Thị Vân, một phụ nữ Hơmông ở Sơn Tân góp chuyện: “Nếu ông C biết việc mà không khai báo cho già làng hay trưởng họ thì khi phát hiện vụ việc, làng sẽ bắt và phạt vạ ông C. Vì vậy, mọi người trong cộng đồng phải sống trung thực, không bao che khuyết điểm. Theo bà Vân, chính nhờ việc phạt nặng nên trong xóm đồng bào Hơmông ở Sơn Tân đã không còn tình trạng trộm cắp tài sản.

Không xử chuyện ly hôn

Bà Phiện cho hay, đã hơn 20 năm sống cùng đồng bào dân tộc Hơmông trong xóm nhưng bà chưa thấy trường hợp ly hôn nào. “Chuyện ngoại tình thì tôi đã thấy nhưng mọi thứ đều được phán xử theo luật tục nên không có chuyện ly hôn” - bà Phiện nói.

Theo bà Phiện, với tập quán đàn ông lên rừng, ra rẫy còn phụ nữ và trẻ con ở nhà lo nội trợ, dệt vải nên hằng ngày ở khu đồng bào Hơmông thường vắng bóng đàn ông. Mấy năm trước ở xóm này có trường hợp phụ nữ Hơmông ở nhà và “say nắng” một ông hàng xóm. Hai người qua lại với nhau được vài tháng thì bị phát giác. Già làng triệu tập cuộc họp nội bộ với cha mẹ của người phụ nữ ngoại tình. Tại đây, những người tham dự cuộc họp đã buộc cha mẹ người phụ nữ và bản thân người này bị phạt vạ cho làng cùng ông chồng bị “cắm sừng” bằng trâu, bò hoặc heo, gà để rửa tội. Cũng như việc phạt vạ tội ăn trộm, cha mẹ và người phụ nữ ngoại tình phải quỳ xuống nghe làng phân tích, lên án chuyện ngoại tình và xin lỗi, hứa trước cộng đồng không để chuyện đó xảy ra lần nữa.

Nét lạ trong thờ cúng của người Hơmông

Anh Giàng Seo Sèng, người dân của xóm đồng bào Hơmông ở Sơn Tân, cho biết: Đồng bào chúng tôi có tín ngưỡng thờ đa thần. Trong mỗi gia đình đều có bàn thờ để thờ cúng tổ tiên và những người ruột thịt đã khuất. Bên cạnh đó, người Hơmông còn thờ cúng nhiều vị thần có công giúp mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Một điều khá thú vị đối với đồng bào dân tộc Hơmông tại Sơn Tân là tục thờ nông cụ, phương tiện sản xuất.

Theo anh Sèng, việc thờ cúng nông cụ của người Hơmông là dịp để người dân trả ơn phương tiện lao động đã giúp họ làm ra của cải vật chất. Việc thờ cúng nông cụ thường được tổ chức vào dịp tết Nguyên đán. Từ tháng 11 âm lịch hằng năm người Hơmông đã chuẩn bị ăn tết cổ truyền. Ngoài dọn dẹp nhà cửa, trang trí lại bàn thờ, người Hơmông dùng giấy màu rực rỡ dán trang trí trên công cụ lao động và đưa lên bàn thờ để cúng. Theo đồng bào Hơmông, mỗi công cụ lao động đều có ý nghĩa đặc biệt bởi ngoài biểu tượng sức mạnh của người đàn ông, lao động chính trong gia đình, đây còn là các phương tiện không thể thiếu trong đời sống, sản xuất của người dân.

Trong cộng đồng 54 dân tộc anh em đang sinh sống trên đất nước ta thì đồng bào Hơmông là một trong những dân tộc giữ gìn và phát huy tốt bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Trong thời kỳ giao lưu văn hóa và hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay, việc bảo tồn văn hóa dân tộc, nhất là đối với đồng bào dân tộc ít người là việc làm hết sức ý nghĩa. Trong quá trình lập nghiệp tại Sơn Tân, những hủ tục về ma chay, hội hè, đình đám, cúng bái... trong đời sống của đồng bào Hơmông đã bị đào thải, thay vào đó là những tiến bộ của cuộc sống hiện đại và những luật tục hay, lành mạnh đã được duy trì.

Tấn Phong

  • Từ khóa
92971

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu