Thứ 6, 19/04/2024 09:53:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:28, 29/07/2014 GMT+7

Một kỳ thi chung và những băn khoăn

Thứ 3, 29/07/2014 | 08:28:00 104 lượt xem

Theo báo điện tử Giáo dục Việt Nam, tại hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) và triển khai nhiệm vụ học kỳ 2 năm học 2013-2014, do Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu ngành giáo dục xem xét phương án tổ chức một kỳ thi quốc gia chung để đánh giá việc tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và tuyển lựa các thí sinh đủ năng lực vào bậc học đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ). 

Ngày 16-7 vừa qua, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ GD-ĐT về phương án đổi mới tổ chức thi tốt nghiệp THPT. Phó thủ tướng đã yêu cầu Bộ GD-ĐT xem xét phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT, thi ĐH, CĐ theo hướng chỉ còn 1 kỳ thi quốc gia chung ngay từ năm 2015. Từ những yêu cầu của phó thủ tướng, Bộ GD-ĐT đang chuẩn bị đề án đổi mới 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ theo hướng tổ chức một kỳ thi quốc gia chung với 2 mục đích: công nhận tốt nghiệp phổ thông và xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, theo dự thảo đề án mà Bộ GD-ĐT đang soạn thảo thì kỳ thi quốc gia chung vào năm 2015 là kỳ thi phổ thông đổi mới. Rút kinh nghiệm của kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014, cấu trúc đề thi sẽ có phần dễ, trung bình, khó và rất khó. Những kinh nghiệm đã đạt được trong công tác ra đề thi tuyển sinh những năm gần đây cũng như ra đề thi tốt nghiệp phổ thông năm nay sẽ được tiếp tục phát huy. Đề thi sẽ không bắt buộc thí sinh phải nhớ nhiều chi tiết một cách máy móc, không học thuộc lòng theo khuôn mẫu có sẵn nhưng tăng cường kiểm tra năng lực, khả năng tư duy, áp dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống. Kiến thức đề thi nằm trong khung chương trình phổ thông.

Cũng theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, thực hiện lộ trình đổi mới tuyển sinh theo hướng gọn nhẹ, thiết thực, hiệu quả, đảm bảo sự công bằng và giúp các trường tuyển chọn được những thí sinh có năng lực phù hợp nhất vào học các ngành nghề đang đào tạo, Bộ GD-ĐT đề xuất thi 8 môn trong 4 ngày. Thí sinh phải thi tối thiểu 4 môn, trong đó 2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn. Ngoài ra, thí sinh có nguyện vọng thi thêm những môn khác thì có thể đăng ký thêm để phù hợp với nhu cầu được xét tuyển ĐH, CĐ.

Việc bỏ bớt một kỳ thi tốn kém và tích hợp các môn thi, tránh tình trạng học lệch mà vẫn phát hiện được năng khiếu, sở trường của từng học sinh làm cơ sở cho việc tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ được đa số dư luận trông đợi. Tuy nhiên, mặc dù đến nay Bộ GD-ĐT chưa công bố dự thảo đề án này, nhưng đông đảo phụ huynh học sinh và các thầy cô giáo trong ngành giáo dục đã thể hiện rõ sự băn khoăn, lo lắng là làm thế nào đề thi phải bảo đảm được sự phân loại học sinh trung bình, khá, giỏi và công tác tổ chức thi phải thực sự nghiêm túc. Vì với cách tổ chức thi tốt nghiệp như hiện nay thì nhiều trường ĐH, CĐ sẽ không dám lấy kết quả đó làm căn cứ để xét tuyển vào trường mình. Đồng thời, với việc tổ chức một kỳ thi chung gồm 4 bài thi bắt buộc như nhau thì chắc chắn sẽ khó có thể tránh khỏi những khó khăn, bất cập... và vấn đề đặt ra là Bộ GD-ĐT có lường hết để đề ra các giải pháp phù hợp?

L.G

 

 

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu