Thứ 6, 19/04/2024 06:10:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:13, 05/10/2017 GMT+7

Một hội nghị kịp thời

Thứ 5, 05/10/2017 | 08:13:00 108 lượt xem
BP - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị hữu quan tổ chức “Hội nghị phát triển ngành điều bền vững gắn với chuỗi giá trị toàn cầu” vào ngày 30-9, được dư luận cả nước quan tâm theo dõi. Bởi trong bối cảnh ngành điều đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay thì hội nghị này được xem là một “Diên Hồng” để gỡ rối cho ngành điều Việt Nam.

Là nước sản xuất hơn 50% nguyên liệu hạt điều cho toàn thế giới, thế nhưng thời gian qua, sản lượng hạt điều của Việt Nam đang có nguy cơ giảm do diện tích vườn điều bị sâu bệnh và thay thế bởi nhiều loại cây trồng khác. Vì vậy, ngành điều Việt Nam với mục tiêu xuất khẩu hạt điều đạt 3 tỷ USD vào năm 2020 đang là thách thức lớn. Từ những yếu tố đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các đơn vị liên quan tổ chức hội nghị về phát triển ngành điều nhằm tìm ra các lực cản, hạn chế đang tồn tại để phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn. Báo cáo tại hội nghị cho thấy, Việt Nam đang là nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu hạt điều nhân, đứng thứ 2 về năng lực chế biến và đứng thứ 3 về năng suất vườn cây. Năm 2016, Việt Nam đã xuất khẩu 347.000 tấn hạt điều, đạt kim ngạch 2,84 tỷ USD. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng về nguồn cung của hạt điều ở nước ta hằng năm chỉ đạt 3,5%, trong khi nhu cầu tiêu dùng cần tăng tương đương 6%/năm. Vì vậy, trong năm 2016, Việt Nam phải nhập khẩu hơn 1,1 triệu tấn hạt điều thô để làm nguyên liệu sản xuất phục vụ các doanh nghiệp chế biến. Các đại biểu dự hội nghị đã nhận định, thách thức lớn nhất của ngành điều Việt Nam hiện nay chính là sự mất cân đối trong cung - cầu nguyên liệu, hoạt động chế biến và vấn đề tiếp cận thị trường. Nếu không nhanh chóng đổi mới, tạo bước đột phá cho 3 yếu tố này thì ngành điều của nước ta sẽ đánh mất lợi thế và đối mặt với sự suy giảm, kéo theo nhiều hệ lụy khó lường.

Bình Phước được mệnh danh là thủ phủ của cây điều Việt Nam. Toàn tỉnh hiện có gần 175 ha điều, chiếm khoảng 60% diện tích trồng điều của cả nước. Cây điều đã góp phần giúp ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo của trên 72.000 hộ nông dân chuyên canh loại cây này. Đặc biệt, từ lợi thế của cây điều ở Bình Phước đã có hàng ngàn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến hạt điều thành mặt hàng xuất khẩu chiến lược với trị giá khoảng hơn 500 USD/năm, chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Đồng thời, ngành chế biến hạt điều đã giải quyết việc làm cho trên 50.000 lao động tại địa phương. Tuy nhiên, do hậu quả của sự biến đổi khí hậu, diễn biến phức tạp của thời tiết khiến sâu bệnh bùng phát... đã làm cho năng suất cây điều trong tỉnh bị giảm mạnh. Huyện Phú Riềng hiện có gần 50% diện tích trong tổng số hơn 20.000 ha điều bị ảnh hưởng bởi sâu bệnh nên năng suất mùa vụ 2017-2018 dự kiến giảm. Đồng Phú hiện có 5.763,32 ha điều trong tổng số 14.390 ha toàn huyện bị sâu bệnh tàn phá. Bù Đăng bị thiệt hại khoảng 900 tỷ đồng do 67% diện tích trồng điều toàn huyện bị sâu bệnh, mất mùa... 

Từ thực trạng đã nêu, trong tháng 9 vừa qua, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn công tác đến các địa bàn nắm bắt tình hình và đề xuất biện pháp hỗ trợ người trồng điều bị thiệt hại. Những động thái tích cực của lãnh đạo tỉnh, sự quan tâm của các bộ, ngành, nhất là sự thành công của hội nghị phát triển ngành điều đã kịp thời “gỡ rối” cho ngành điều phát triển bền vững.

Tấn Phong

  • Từ khóa
108733

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu