Thứ 3, 19/03/2024 15:12:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 08:39, 20/08/2013 GMT+7

Mót gỗ dưới lòng hồ Thác Mơ (tiếp theo và hết)

Thứ 3, 20/08/2013 | 08:39:00 217 lượt xem

>> Bài 1: LẶNG LẼ VỚI NGHỀ
>> Bài 2: MƯU SINH TẬN ĐÁY HỒ

“Thôn Bàu Nghé như một bán đảo, thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên vốn, kỹ thuật đánh bắt, nuôi trồng hạn chế, đời sống nhân dân còn gặp rất nhiều khó khăn. Đây cũng là nguyên nhân khiến những thợ mót gỗ khó đổi nghề. Bàu Nghé mong sớm nhận được sự hỗ trợ của ngành chức năng để đời sống người dân có sự đổi thay, ổn định”, Trưởng thôn Phạm Đức Thọ tâm sự.

Bài cuối LẶN ĐẾN BAO GIỜ?

Gỗ trong lòng hồ Thác Mơ ngày càng ít, thợ lặn thôn Bàu Nghé vẫn cố gắng vớt vát những cành củi mục để kiếm cơm. Họ không thể từ bỏ cái nghề vất vả, ngụp lặn khi bản thân không có cơ hội kiếm tìm công việc mới.

Phần đông những thợ lặn trong thôn Bàu Nghé đều muốn được chuyển sang một nghề mới. Nhưng rất ít trong số họ có đủ điều kiện, đưa ước mơ trở thành hiện thực. Câu hỏi: “Nếu không vớt gỗ thì lấy gì mà ăn?” của những thợ lặn thể hiện sự bế tắc của họ.
 

MƠ CHỈ LÀ... MƠ

Nghỉ ngơi, thư giãn sau một ngày ngụp lặn dưới đáy hồ, anh em Thạch Minh Hải, Thạch Minh Hưng cùng cười khi chúng tôi nhắc đến việc tìm kiếm một công việc mới: Những năm trước, gỗ còn nhiều lắm, thả neo chỗ nào cũng có gỗ để vớt, đi lặn thấy ham. Giờ chỉ còn lại những loại gỗ tạp, thân nhỏ, bán không được bao nhiêu tiền. Nhưng ngoài nghề này ra, chúng tôi chẳng biết làm gì để sống. Anh Hải lý giải: “Tôi muốn nuôi thả cá nhưng không có vốn, muốn phát triển cây trồng lại không có đất”. Anh chỉ về chiếc ghe của mình nói: Để có được chiếc ghe mót gỗ đó, vợ chồng mình phải vay nợ gần 30 triệu đồng, giờ vẫn chưa hết nợ. Muốn chuyển nghề phải có tiền mới làm được.


Niềm vui của chị Nguyễn Thị Hải Vân tại xưởng chẻ điều

Đẹp trai, vui vẻ, thợ lặn Trương Vĩnh Phúc (19 tuổi) được các đồng nghiệp gọi bằng cái tên thân mật “thằng Hàn Quốc”. Phúc mong muốn được đi xuất khẩu lao động bên Hàn, thoát khỏi nghề thợ lặn, nhưng ngặt nỗi nhà nghèo, không có tiền làm thủ tục. Để lo cuộc sống cho cả nhà, ba anh em Phúc thay nhau đi lặn mỗi ngày. Phúc tự an ủi mình một cách hồn nhiên, đặc sệt chất giọng miền Tây: “Gia đình em còn ở Việt Nam, em qua Hàn Quốc làm gì, nhớ nhà lắm chị hen”. Phúc và các thợ lặn cùng cười, tiếng cười giòn tan, sảng khoái.

Nghèo khổ, sớm phải bước vào cuộc mưu sinh nên việc học hành của những thợ lặn ở thôn Bàu Nghé ít được quan tâm. Không chỉ những thợ lặn U40 mà cả những bạn trẻ U20 cũng chỉ dừng lại ở mức xóa mù chữ. Những bạn trẻ mà chúng tôi tìm hiểu như anh em Tâm, Sang, Đức, Đạt đều bỏ học sớm. Chữ ít, vốn cũng ít nên giấc mơ của những thợ lặn nghèo chỉ đơn thuần là những giấc mơ.


“TÔI ĐÃ LÊN BỜ”

Những gia đình có ghe như anh Minh Hải, Thạch  Hưng, Vĩnh Phúc, Minh Đạt, Văn Hùng... thì mong được chuyển nghề. Nhưng những thợ lặn thuê như Nguyễn Gia Nghĩa, Nguyễn Vũ Linh lại mơ ước được làm chủ một chiếc ghe để có thể lặn riêng. Với những Việt kiều hồi hương như Nghĩa và Linh, được sống trên quê hương xứ sở, có vốn làm ăn là điều đáng quý gấp nhiều lần so với hồi còn lênh đênh trên Biển Hồ (Campuchia). Nhưng cứ lặn thuê, gửi tiền về lo cho cả gia đình như hiện tại, đến khi nào mơ ước của 2 thợ lặn trẻ này mới thành hiện thực?

Theo người dân Bàu Nghé, nhà ông Tám Quý (tên đầy đủ là Thạch Quý) có 4 ghe đi gỗ, nhiều nhất thôn. “Tiếng là vậy thôi chứ số ghe đó là của mấy đứa con. Con gái 2 chiếc, 2 chiếc còn lại của thằng con trai. Tôi đã lên bờ từ lâu rồi, đâu còn làm nghề trục gỗ nữa”, ông Tám Quý cười, nói tiếp: “Nghề này hồi mới đầu còn có ăn, có để. Nhưng giờ gỗ hết rồi, bọn nó chỉ kiếm đủ cơm thôi, lấy đâu mà dành dụm được. Muốn lên bờ như tôi, chẳng dễ chút nào”.

Ông Tám Quý là thợ lặn duy nhất trong thôn bỏ được nghề khi còn khỏe mạnh. Hiện vợ chồng ông cùng con gái út mở quán cà phê buôn bán gần nhà và là thành viên tích cực trong tổ an ninh tự quản của thôn Bàu Nghé.

Dù gặp phải tai nạn “thập tử nhất sinh”, nhưng thợ lặn L.Q.M may mắn có người vợ trẻ hết mực thương yêu chồng. Khi chồng bị nạn, chị Nguyễn Thị Hải Vân (vợ anh M) bán hết nhà cửa đưa anh đi điều trị nhiều nơi. Nhờ sự can thiệp của y học và tình yêu, sự chăm sóc tận tâm của vợ, anh M đã thoát khỏi nguy hiểm, trở lại sinh hoạt bình thường.

Thoát khỏi tai nạn, anh M đoạn tuyệt với nghề mót gỗ dưới lòng hồ Thác Mơ. Năm 2008 vợ chồng anh vay vốn mở xưởng chẻ điều. Xưởng điều của anh M tạo việc làm cho 16 lao động, thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng. Anh xây được 6 phòng trọ, đăng ký tạm trú cho công nhân ở miễn phí, bao cả tiền điện, nước. Mỗi dịp lễ, tết, anh M, chị Vân lại tặng quà cho công nhân, nhằm động viên tinh thần họ.

Thấy anh M vượt qua biến cố, trở về bên gia đình hạnh phúc, kinh tế ổn định, chúng tôi thầm mong những thợ lặn còn lại ở thôn Bàu Nghé sớm tìm được bến đỗ cho mình. Nhưng cuộc đời những thợ lặn ở đây đến bao giờ mới trở về bến đỗ giống như ông Tám Quý và anh M?

Tường Linh - Thanh Thủy

  • Từ khóa
92290

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu