Thứ 6, 19/04/2024 11:15:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:48, 29/05/2018 GMT+7

Một dự án luật giải phóng sức sáng tạo của nông dân

Thứ 3, 29/05/2018 | 08:48:00 104 lượt xem

BP - Trong phiên thảo luận về dự án Luật Trồng trọt của Quốc hội ngày 23-5 vừa qua, ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng, đã đến lúc cần có chính sách hỗ trợ sáng tạo của nông dân. Nêu ra những dẫn chứng sinh động về sự thành công trong cải tạo vườn điều của nông dân xã Long Hà (Phú Riềng) hay việc lai ghép cho ra đời giống tiêu mới chất lượng cao ở Lộc Ninh, đại biểu Nguyễn Văn Lợi cho rằng nông dân Việt Nam không chỉ cần cù chịu khó mà còn rất sáng tạo, đóng góp rất lớn vào sự tăng trưởng của ngành nông - lâm - thủy sản nhưng hiện Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ tương xứng. Do vậy, Luật Trồng trọt cần bổ sung các quy định để khắc phục tình trạng này.

Cùng quan điểm này, có đại biểu cho rằng đến tận bây giờ Quốc hội mới đưa ra bàn về dự án Luật Trồng trọt là quá trễ. Ai cũng biết, trồng trọt giữ vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, thu hút sự tham gia của hơn 70% nguồn lực lao động, đóng góp trên 50% kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp. Năm 2017, giá trị xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt 36,2 tỷ USD, trong đó lĩnh vực trồng trọt là 18,96 tỷ USD và có tới 7/10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp thuộc lĩnh vực trồng trọt. Tại Bình Phước, toàn tỉnh hiện có 1.082 trang trại, 1.272 tổ hợp tác và 86 hợp tác xã nông - lâm nghiệp với 40 loại ngành nghề, giải quyết việc làm cho trên 32 ngàn lao động mỗi năm. Mô hình kinh tế trang trại ở Bình Phước đang có chiều hướng phát triển sản xuất hàng hóa, hứa hẹn nhiều tiềm năng.

Thực tế trên địa bàn tỉnh cho thấy sức sáng tạo của nông dân là vô hạn. Ở một vùng đất nắng nóng quanh năm như Bình Phước, ít ai nghĩ sẽ phù hợp với cây bơ. Vậy mà ông Dương Mã Dưỡng, ngụ thôn Đồng Tiến, xã Phước Tân (Phú Riềng) sau nhiều năm mày mò nghiên cứu, lai ghép đã cho ra đời một loại nông sản đặc biệt mang tên ông - bơ sáp Mã Dưỡng, là một trong số ít giống bơ ở Việt Nam có thương hiệu, được thị trường trong và ngoài nước chấp nhận. Với hơn 20 năm gây dựng giống bơ thơm ngon, trái to, vỏ bóng loáng này, ông Dương Mã Dưỡng đã có doanh thu 2 tỷ đồng mỗi năm. Hay nông dân Nguyễn Bá Thịnh, người trồng tiêu cấp quốc tế ở Lộc Ninh, được nhiều người biết đến bởi sáng chế tưới nước “ba trong một” rất độc đáo và hiệu quả... Và còn rất nhiều nhà nông trong và ngoài tỉnh có những sáng tạo độc đáo, tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích cho xã hội. Thế nhưng từ trước tới nay, những sáng chế của nông dân sau khi được vinh danh cũng chỉ để đó mà chưa được khuyến khích đầu tư để ứng dụng. Đó là sự lãng phí rất lớn.

Thật tự hào và ngưỡng mộ những nông dân chân chất thật thà, nhưng đã dám bước những bước đi tiên phong trên lĩnh vực nông nghiệp. Không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình, chính họ đã góp phần giúp diện mạo nông thôn Việt Nam sáng lên mỗi ngày. Họ là chỗ dựa, là bệ đỡ của đất nước khi nền kinh tế gặp khủng hoảng và cũng là những người phải chịu thiệt thòi nhất khi mưa không thuận, gió không hòa, trời không yên, bể không lặng. Họ luôn nhẫn nhịn chịu đựng. Họ âm thầm đóng góp, hy sinh mà không đòi hỏi gì. Bởi thế, khi dự án Luật Trồng trọt được Quốc hội thông qua sẽ góp phần giải phóng sức sáng tạo, sự can đảm trong mỗi người nông dân Việt Nam khi họ không còn phải thắc thỏm lo lắng trước sự “đỏng đảnh” của thời tiết, sự hoành hành của dịch bệnh hay sự ép giá của thương lái và không còn phải nghe điệp khúc buồn “được mùa mất giá” nữa.

Thủy Nguyên

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu