Thứ 6, 19/04/2024 00:51:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:21, 28/11/2017 GMT+7

Một đòi hỏi bức thiết

Thứ 3, 28/11/2017 | 09:21:00 154 lượt xem

BP - Ngày 13-11, Quốc hội thảo luận về Dự án Luật An ninh mạng. Mới chỉ là thảo luận thôi nhưng vấn đề này đã làm dư luận rất nóng. Và nóng nhất là những tranh luận xung quanh quy định tại Khoản 4, Điều 34 dự thảo Luật An ninh mạng: “Các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia Việt Nam; có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam...”.

Những tưởng điều này hết sức bình thường, bởi ở nhiều quốc gia, Youtube, Google và cả Facebook đã phải tuân theo luật pháp nước sở tại. Gần đây nhất, Ủy ban châu Âu cùng các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng thuộc Liên minh châu Âu đã yêu cầu Facebook, Google và Twitter điều chỉnh các điều khoản sử dụng dịch vụ cũng như truy quét thông tin xấu, nếu không sẽ phải chịu chế tài. Nhật Bản, Anh, Đức cũng đã khuyến cáo những tập đoàn này phải tuân thủ quy định của nước mình hoặc ra tòa hay bị phạt. Và không chỉ bị cảnh cáo về nội dung xấu, độc hại mà Youtube hay Google, Facebook, Twitter còn bị lên án khi vô tình bị những tổ chức khủng bố, phần tử cực đoan sử dụng làm công cụ hữu hiệu cho hoạt động của chúng.

Tại Việt Nam trong những năm gần đây, việc lợi dụng mạng xã hội để lan truyền những thông tin xấu, độc không còn là chuyện hiếm. Còn nhớ vụ xả thải của Công ty Formosa ở Hà Tĩnh cách đây 2 năm, chỉ sau vài phút, số lượng người share thông tin này lên đến hàng vạn, nhưng người đưa clip đó lại không ở Việt Nam. Bằng việc gây nên “cơn bão” thông tin về thảm họa môi trường ở miền Trung, những kẻ xấu đã đạt được mục đích lợi dụng sự kiện gây hoang mang dư luận, gây mất an ninh chính trị trong nước. Rồi cách đây không lâu, trong lúc người dân Quảng Nam đang phải vật lộn với cơn bão số 12 thì một nhóm người đã tung tin vỡ đập thủy điện Sông Tranh khiến hàng ngàn người dân huyện Bắc Trà My hoảng loạn bỏ nhà cửa chạy lên núi giữa cơn bão lớn. Trước đó, có kẻ tung tin gần 300 tù nhân chết đuối do lũ quét trong cơn bão số 10 tại Trại giam số 5, tỉnh Thanh Hóa... Và còn rất nhiều thông tin bịa đặt làm ảnh hưởng xấu đến quá trình quản lý, điều hành của các cấp chính quyền. Bởi thế, dự thảo Luật An ninh mạng yêu cầu các nhà mạng đặt máy chủ quản lý dữ liệu tại Việt Nam là việc hết sức bình thường.

Điều đáng nói là trong khi các nhà cung cấp dịch vụ internet như Facebook, Google... chưa lên tiếng thì một số tờ báo đã giật “tít” rất kêu, đẩy vấn đề thành nghiêm trọng. Ngày 6-11, Đài Á Châu tự do giật tít: “Dự thảo Luật An ninh mạng: Câu chuyện của chính trị”. Nhưng không chỉ có tờ báo chống cộng này, ngay cả một số tờ báo chính thống khác cũng vào hùa với những cái tít lập lờ hoặc mang tính giật gân, kích động: “Facebook và Google có thể rút khỏi Việt Nam”, “Google và Facebook đặt máy chủ ở đâu không quan trọng”, hay “Nếu Facebook, Google tạm biệt chúng ta”... Các trang mạng phản động thì lu loa rằng nếu dự thảo Luật An ninh mạng được thông qua sẽ là vi phạm cam kết quốc tế, vi phạm tự do ngôn luận... Những bình luận này đã khiến người dân hiểu sai vấn đề, không ít người tỏ ra bức xúc và hoài nghi về mục đích của dự luật.

Cần nói rõ: Dự thảo Luật An ninh mạng yêu cầu các nhà mạng đặt máy chủ quản lý dữ liệu tại Việt Nam là để ngăn chặn thông tin xấu, độc và bảo vệ người dùng chứ không có nội dung nào cấm Facebook, Google ở Việt Nam cả. Trong tình hình tội phạm mạng phát triển như hiện nay, việc ra đời một đạo luật về đảm bảo an ninh mạng là đòi hỏi bức thiết và rất nhiều quốc gia khác cũng đã làm.

Nguyên Thủy

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu