Thứ 6, 29/03/2024 03:49:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 09:12, 30/08/2012 GMT+7

Một di tích đang trở thành phế tích

Thứ 5, 30/08/2012 | 09:12:00 214 lượt xem

Nằm trên địa bàn xã Lộc Tấn, Bệnh viện huyện Lộc Ninh cũ được xây dựng từ thế kỷ XX, do người Pháp thiết kế với kiểu kiến trúc có một không hai ở vùng Đông Nam bộ. Những khối bê tông hình vòm lá mái, những đường kiến trúc uốn lượn như sóng đại dương, từng khối nhà nhấp nhô đã và đang thu hút sự khám phá của du khách. Đây còn là công trình được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề xuất Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận di tích lịch sử quốc gia, thuộc quần thể di tích - danh thắng phía tây bắc tỉnh Bình Phước. Thế nhưng, do không được bảo vệ, duy tu và bảo dưỡng thường xuyên nên khu di tích này đang ngày một xuống cấp.

HOANG TÀN, ĐỔ NÁT

Ngay trước cổng bệnh viện cỏ mọc um tùm, còn xung quanh nhiều chỗ không có tường rào bảo vệ. Đằng sau cánh cổng sắt hoen rỉ và phần tường rào còn lại là những đống rác, xà bần nằm ngổn ngang, thậm chí một số nơi còn bị người dân lấn chiếm để xây dựng và sản xuất. Trên các khoảng đất trống, người dân địa phương đã tận dụng để trồng mì và bắp. Trong các khoa, phòng trước đây, hầu hết những vật dụng có thể bán được đều bị kẻ gian lẻn vào tháo dỡ bán ve chai nên nhiều chỗ bị đập phá không thương tiếc.

Những khoảng đất trống của bệnh viện được tận dụng để trồng bắp, còn khắp nơi cỏ mọc um tùm

Bà Vũ Thị Xuân Lan, gần 60 tuổi ở ấp 5A, xã Lộc Tấn có nhà gần bệnh viện cho biết: Cha mẹ tôi đến đây sinh sống từ thời Pháp. Bản thân tôi cũng gắn bó với mảnh đất này từ nhỏ đến nay. Đối với tôi, bệnh viện này như một phần cuộc sống không thể thiếu. Năm 2009, Bệnh viện Lộc Ninh di dời về địa điểm mới, công trình được bàn giao cho ngành chức năng quản lý, còn công tác bảo vệ thì giao cho xã. Thế nhưng, kể từ đó đến nay việc bảo vệ hầu như chỉ mang tính hình thức, thỉnh thoảng ngành chức năng cho người đến phát cỏ một lần. Do không có người trông coi, bảo vệ nên kẻ gian đột nhập vào phá, thậm chí còn phát sinh các tệ nạn xã hội bên trong mà không ai biết, làm mất an ninh trật tự địa phương. Phải chứng kiến cảnh di tích đang dần trở thành phế tích, vợ chồng tôi rất xót nên tự nguyện đứng ra trông coi những gì còn sót lại. Nhiều hôm mưa to, gió lớn, chồng tôi (ông Nguyễn Thanh Phương, Bí thư chi bộ ấp 5A) phải leo lên buộc lại các cánh cửa của khu nhà lầu để gió không làm hư hại công trình. Mỗi khi thấy cỏ mọc nhiều quá, gia đình tôi tự bỏ tiền ra thuê người cắt cỏ và xịt thuốc. Công trình rộng quá nên vợ chồng tôi không thể bao quát hết, chỉ coi được những phần ở gần nhà thôi, còn những khu vực phía sau đành chịu, khi thấy có vấn đề khả nghi thì báo cho chính quyền địa phương.

Bà Nguyễn Thị Kim Duyên, Phó chủ tịch UBND xã Lộc Tấn cho biết: Trước khi bệnh viện chuyển đi, UBND huyện đã chỉ đạo xã thực hiện công tác bảo vệ công trình. Xã cũng điều động lực lượng để bảo vệ cơ sở vật chất bệnh viện. Lực lượng bảo vệ gồm công an và xã đội thường xuyên kiểm tra toàn bộ khu vực để giữ gìn hiện trạng, ngăn ngừa và báo cáo UBND xã xử lý kịp thời các hành vi lấn chiếm, xâm phạm dưới bất kỳ hình thức nào. Tuy nhiên, do không có kinh phí hoạt động nên lực lượng cũng chỉ duy trì tuần tra 1-2 lần/tuần. Kẻ gian đã lợi dụng lúc vắng người hay đêm khuya đột nhập vào phá hoại tài sản.

THỰC TRẠNG VỀ CÔNG TÁC BẢO VỆ

Theo bà Nguyễn Thị Kim Duyên, muốn công trình được giữ gìn tốt, ngoài việc thu hồi diện tích đất bị lấn chiếm, xây dựng hệ thống tường rào bảo vệ thì phải có lực lượng bảo vệ thường trực và một đội chuyên trách làm công tác bảo dưỡng, dọn vệ sinh. Nhưng muốn đáp ứng được những yêu cầu này, cần phải có nguồn kinh phí không nhỏ, trong khi ngân sách địa phương hết sức hạn hẹp. Bên cạnh đó, lực lượng công an, xã đội của xã mỏng và phải thực hiện nhiều công việc nên không thể duy trì đội trực thường xuyên ở di tích này. Để bảo vệ tốt công trình, xã mong sự hỗ trợ về mặt kinh phí từ ngành chức năng và cấp có thẩm quyền.

Nhằm thực hiện công tác bảo tồn công trình sau khi Bệnh viện Lộc Ninh bàn giao, ngày 15-12-2008, Bảo tàng tỉnh đã có Báo cáo số 87/BC-BT gửi Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Báo cáo nêu rõ: Để công tác bảo vệ được tiến hành tốt, cần trang bị các thiết bị cần thiết cho đội bảo vệ (giày, đèn pin...). Hỗ trợ kinh phí cho đội bảo vệ với mức 600 ngàn đồng/tháng và thời gian hỗ trợ từ tháng 12-2008 đến khi di tích được xếp hạng. Thực tế, đề nghị này đã đi vào quên lãng và không có hồi âm từ ngành chức năng.

Ngày 5-9-2011, UBND huyện Lộc Ninh có Thông báo số 74/TB-UBND về việc thống nhất diện tích khoanh vùng bảo vệ khu vực bệnh viện. Thông báo cũng nêu rõ, giao UBND xã Lộc Tấn có kế hoạch tiếp tục cử lực lượng bảo vệ để bảo quản, giữ gìn toàn bộ hiện trạng cơ sở Bệnh viện Lộc Ninh cũ trong khi chờ dự án quy hoạch cụm di tích bệnh viện được thông qua. Ngày 3-11-2011, UBND huyện Lộc Ninh tiếp tục có Thông báo số 106/TB-UBND giao UBND xã Lộc Tấn cử lực lượng bảo vệ 24/24 trong khu di tích, không để tình trạng lấn chiếm và mất cắp tài sản diễn ra cho tới khi bệnh viện được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Song cả hai thông báo trên đều không đề cập đến nguồn kinh phí để duy trì việc bảo vệ công trình. Thực trạng trên cho thấy, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền các cấp và ngành chức năng để tìm ra giải pháp thiết thực nhất trong bảo tồn di tích. Nếu không công trình sẽ trở thành phế tích trước khi được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

LÀM GÌ ĐỂ BẢO VỆ DI TÍCH?

Trong phát triển kinh tế - xã hội rất cần phải phát triển đời sống tinh thần cho người dân, trong đó giữ gìn và tôn tạo những giá trị lịch sử là vấn đề quan trọng. Vì vậy, đòi hỏi ngành chức năng sớm trùng tu lại di tích, tôn tạo, bởi đây không chỉ là niềm tự hào mà còn là bằng chứng sống để giáo dục thế hệ mai sau cũng như thu hút du khách tham quan. Theo Báo cáo số 87 của Bảo tàng tỉnh, sau khi di tích được xếp hạng cấp quốc gia, đơn vị sẽ đề xuất các phương án trùng tu, tôn tạo để phát huy tác dụng của di tích. Thế nhưng, sau gần ba năm triển khai (từ đầu năm 2009 đến nay) các bước theo quy trình và đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, sự việc vẫn chưa đi đến đâu trong khi công trình ngày càng xuống cấp nghiêm trọng.

Làm gì để bảo vệ di tích đang là câu hỏi khó đặt ra cho các nhà chuyên môn và ngành chức năng. Phó chủ tịch UBND xã Lộc Tấn Nguyễn Thị Kim Duyên cho biết: Muốn trùng tu, tôn tạo và đưa di tích trở thành một điểm nhấn để thu hút khách du lịch trong thời điểm hiện nay rất cần nguồn vốn xã hội hóa. Việc kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng và tôn tạo nơi đây thành công trình xã hội - từ thiện, mà cụ thể là trung tâm nuôi dưỡng người già - người tàn tật hoặc trại trẻ mồ côi có thể là giải pháp thiết thực nhất.

Lâm Phương

  • Từ khóa
92103

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu