Thứ 7, 20/04/2024 19:01:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 15:09, 05/04/2017 GMT+7

Một đề án có ý nghĩa đặc biệt đối với ngư dân

Thứ 4, 05/04/2017 | 15:09:00 119 lượt xem
BP - Việt Nam là quốc gia có bờ biển dài trên 3.260km, với 28 tỉnh, thành phố có biển. Đảng và Nhà nước ta xác định, phát triển kinh tế biển phải gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, coi đó là một vấn đề then chốt trong xây dựng thế trận lòng dân trên biển. Đối với lực lượng ngư dân, Nhà nước đã và đang có nhiều chính sách đặc biệt để hỗ trợ bà con yên tâm vươn khơi, bám biển. Một trong những việc làm đầy tính nhân văn đã được thực hiện là hỗ trợ về y tế cho ngư dân, nhất là đối với những đội tàu đánh bắt xa bờ.

Tháng 2-2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020”. Đây là đề án có ý nghĩa hết sức to lớn, bảo đảm trách nhiệm và nghĩa vụ của ngành y tế, lực lượng quân đội và các bộ, ngành trong việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế của người dân đang sinh sống tại các tỉnh, thành phố có biển. Đề án nhằm hỗ trợ người dân sinh sống, làm việc ở vùng biển, đảo được tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế trong công tác dự phòng, cấp cứu, khám chữa bệnh và nâng cao sức khỏe. Sau 4 năm thực hiện đề án, các tỉnh, thành phố có biển đều đã thu được những kết quả tích cực. Hầu hết bà con ngư dân được dự các lớp tập huấn tự bảo vệ chăm sóc sức khỏe; hàng ngàn tủ thuốc đã được các địa phương vận động kinh phí từ nhiều nguồn khác nhau để trang bị trên tàu đánh bắt xa bờ. Bệnh viện thuộc các huyện đảo đã được địa phương nâng cấp, đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân... Bộ Y tế triển khai dự án đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn; đề án luân chuyển cán bộ tuyến trên về giúp đỡ tuyến dưới theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”; 100% người dân các huyện đảo, xã đảo đã được thụ hưởng chính sách ưu đãi về bảo hiểm y tế... Ngoài ra, các tỉnh, thành phố có biển còn nghiên cứu giải pháp tăng cường kết hợp quân dân y, củng cố y tế cơ sở, sẵn sàng đáp ứng các tình huống khẩn cấp, phòng chống dịch bệnh, xây dựng thế trận phòng thủ trên đảo.

Theo thống kê, hiện nước ta có khoảng hơn 130 ngàn tàu cá, trong đó có gần 30 ngàn tàu đánh bắt xa bờ. Những tàu cá này hoạt động ở ngư trường xa, điều kiện sống, việc bảo đảm sức khỏe khó khăn và có nhiều nguy cơ đe dọa sự an toàn của ngư dân. Vì vậy, trang bị y tế trên tàu cá cho bà con là rất cần thiết trong mỗi chuyến vươn khơi bám biển dài ngày. Đến nay, hàng ngàn tủ thuốc đã được trang bị cho các tàu đánh cá xa bờ, thời gian tới sẽ trang bị đầy đủ tủ thuốc và kiến thức sơ cấp cứu cho toàn bộ tàu cá của ngư dân. Theo đó, mỗi tàu cá đánh bắt xa bờ có từ 7-15 người sẽ được hỗ trợ trang bị một tủ thuốc trị giá khoảng 2 triệu đồng với 6 nhóm thuốc chính gồm: tim mạch, kháng sinh, tiêu hóa, hạ sốt giảm đau, giãn phế quản, chống dị ứng, các thuốc khác và một số dụng cụ y tế như nhiệt kế, máy đo huyết áp, nẹp máng đùi lớn, nẹp máng cánh tay, thuốc sát trùng, bông, băng... Ngoài ra, hệ thống Thông tin duyên hải Việt Nam là đơn vị thực hiện vai trò cầu nối thông tin y tế giữa người bị nạn trên tàu với Viện Y học biển để bác sĩ tư vấn, hướng dẫn cấp cứu từ xa cho ngư dân trên biển. Đến nay, hệ thống Thông tin duyên hải Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý hàng trăm thông tin trợ giúp y tế trên biển. Viện Y học biển đã và sẽ tiếp tục tổ chức những buổi tập huấn hỗ trợ ngư dân cách sử dụng tủ thuốc đúng cách; đồng thời hướng dẫn xử lý tình huống khẩn cấp trên biển như sơ cứu các trường hợp nhồi máu cơ tim, đau ruột thừa... Để chương trình hỗ trợ đào tạo rộng khắp, viện hỗ trợ đào tạo những kiến thức này cho các bác sĩ tại tỉnh, thành phố ven biển, sau đó đội ngũ này sẽ hướng dẫn lại cho ngư dân.

Vấn đề chăm sóc sức khỏe cư dân vùng biển đảo nói chung và ngư dân đánh bắt xa bờ nói riêng có tác dụng to lớn đối với sự phát triển của quốc gia, góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh và ổn định chính trị - xã hội. Vì vậy, Đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020” có ý nghĩa đặc biệt đối với hàng triệu ngư dân, hỗ trợ tích cực để bà con yên tâm vươn khơi bám biển, góp phần trở thành “cột mốc chủ quyền” trên các vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đức Hồng

  • Từ khóa
111277

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu