Thứ 5, 28/03/2024 19:37:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:36, 24/11/2017 GMT+7

Một bước “lùi” cần thiết

Thứ 6, 24/11/2017 | 08:36:00 136 lượt xem

BP - Một lần nữa không khí nghị trường Quốc hội lại “nóng” lên khi bỏ phiếu thống nhất thông qua nghị quyết: Điều chỉnh lộ trình triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới dành cho “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới”. Theo đó, thời gian bắt đầu áp dụng chương trình sách giáo khoa mới từ năm học 2020-2021 với cấp tiểu học, năm học 2021-2022 với cấp THCS và năm học 2022-2023 với cấp THPT.

Trước đó tháng 7-2017, Ban chỉ đạo đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông quốc gia đã thông qua chương trình giáo dục phổ thông tổng thể để làm căn cứ xây dựng dự thảo các chương trình môn học và hoạt động giáo dục. Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới chia thành 2 giai đoạn: giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12), không còn lớp dự hướng nghề nghiệp. Hệ thống môn học cũng chỉ còn bắt buộc và tự chọn. Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể quy định, thời gian thực học 35 tuần/năm. Tổng số tiết học trong năm, số tiết trung bình trong tuần và thời lượng của một số môn học cũng giảm đi so với trước. Việc áp dụng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sẽ bắt đầu từ năm học 2018-2019.

 Thực tế cho thấy, việc áp đặt thời gian áp dụng ngay từ năm học 2018-2019 là chưa đủ “chín”, các điều kiện để thực hiện chương trình chưa đảm bảo. Đa số ý kiến cho rằng, chất lượng giáo dục mới là quan trọng chứ không phải tiến độ. Vì thế, việc lùi thời hạn áp dụng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cần thiết khi các điều kiện vẫn chưa đủ.

Chiều 20-11, tại nghị trường Quốc hội, đa số đại biểu đồng tình với phương án lùi 2 năm so với quy định cũ để áp dụng chương trình, sách giáo khoa. Quả thật, đây là bước “lùi” cần thiết, thể hiện rõ trách nhiệm, sự chu đáo của Quốc hội đối với vấn đề lớn của đất nước, đến sự phát triển, đổi mới toàn diện của ngành giáo dục.

Câu chuyện nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh là một bài toán lâu năm chưa tìm được lời giải thấu đáo. Cũng vì thế, chương trình giáo dục tổng thể lần này đang rất được dư luận quan tâm. Chương trình cần có sự hỗ trợ đặc thù để việc triển khai diễn ra suôn sẻ, không bị động. Đó là cơ sở vật chất, hạ tầng giáo dục cùng với nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục. Bởi trình độ, năng lực của người thầy luôn là một trong những điều kiện quan trọng tiên quyết quyết định chất lượng đào tạo. Đó cũng là tiền đề quan trọng đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. 

Bước “lùi” 2 năm chính là khoảng thời gian đủ để Chính phủ chỉ đạo ngành chức năng xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Đồng thời, chủ động bố trí nguồn lực, chuẩn bị đồng bộ các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, cơ sở vật chất để triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa... Đây cũng là thời gian để sự chuẩn bị được chu đáo đối với những địa bàn khó khăn, miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số... “Chậm mà chắc” và với sự điều chỉnh này, tin tưởng mục tiêu phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục mà Quốc hội thông qua sẽ đạt kết quả cao.

An Nhiên

  • Từ khóa
108763

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu