Thứ 5, 28/03/2024 16:49:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:47, 18/10/2014 GMT+7

Mọi tranh chấp phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình

Thứ 7, 18/10/2014 | 08:47:00 1,196 lượt xem
BPO - Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong các phát biểu nhân chuyến thăm châu Âu và dự Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ 10 tại Ý.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị cấp cao ASEM 10 tại Ý - Ảnh: AFP
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị cấp cao ASEM 10 tại Ý - Ảnh: AFP 

Ngày 17-10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dự và có bài phát biểu tại phiên họp toàn thể thứ hai của hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Á - Âu lần thứ 10 (ASEM 10) tại Milan, Ý về chủ đề “Quan hệ đối tác Á - Âu ứng phó các vấn đề toàn cầu trong một thế giới gắn kết”.

Trong đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh trong năm 2014 bất ổn chính trị, xung đột cục bộ, các hành động khủng bố và tranh chấp lãnh thổ… cũng như các vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và phát triển bền vững diễn biến rất phức tạp. Các điểm nóng khu vực căng thẳng hơn; lòng tin giữa nhiều quốc gia bị suy giảm; các nước vừa và nhỏ đang đứng trước thách thức lớn về an ninh và phát triển. Nhu cầu hợp tác để duy trì hòa bình, an ninh, ổn định đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

“Cả thế giới đều biết”

Thủ tướng nêu bật thực tế tại châu Á - Thái Bình Dương, vốn đang phát triển năng động, khẳng định vai trò là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, môi trường hòa bình, an ninh và phát triển đang đứng trước nhiều nguy cơ bất ổn. Thủ tướng bày tỏ quan ngại đặc biệt của VN về những diễn biến nghiêm trọng, vi phạm luật pháp quốc tế gần đây tại biển Đông mà thế giới đều biết.

Thủ tướng khẳng định VN luôn kiên định và nhất quán cùng các thành viên ASEAN và cộng đồng quốc tế, trong đó có các thành viên ASEM, thúc đẩy đối thoại và thực hiện mọi nỗ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế nhằm duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không và cùng hợp tác phát triển ở Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương. Vấn đề quyết định là phải kiềm chế, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, không để tái diễn các hành động gây căng thẳng, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS), thực hiện nghiêm chỉnh và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên (DOC) và cùng nhau xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).

Theo Thủ tướng, để duy trì hòa bình, cần kiên trì xây dựng lòng tin chiến lược - sự tin cậy lẫn nhau bền vững, lâu dài trên cơ sở Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, hợp tác bình đẳng cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau và tăng cường đối thoại về các khác biệt, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. Từ đó, Thủ tướng đề xuất Hội nghị cấp cao ASEM cần tiếp tục nâng cao vai trò và cùng nỗ lực củng cố các cơ chế đối thoại và hợp tác khu vực, liên khu vực và toàn cầu; tăng cường các biện pháp ngoại giao phòng ngừa, góp phần hình thành một cấu trúc an ninh bền vững, minh bạch, có khả năng đáp ứng thay đổi của tình hình và bảo đảm lợi ích của tất cả các quốc gia.

Trước đó, trả lời phỏng vấn Đài DW (Đức) và tờ Le Monde (Pháp), Thủ tướng khẳng định VN kiên định đấu tranh bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, đồng thời luôn chân thành bày tỏ thiện chí cùng các nước xây dựng lòng tin chiến lược, bền vững lâu dài trên cơ sở Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế.

Thủ tướng nêu rõ VN hoan nghênh mọi chính sách của các nước lớn đối với châu Á - Thái Bình Dương nếu các chính sách đó tôn trọng luật pháp quốc tế và các thể chế khu vực, không cường quyền áp đặt, không xâm phạm độc lập chủ quyền của các quốc gia và đóng góp tích cực cho khu vực và thế giới.

Liên quan vai trò của Đức và EU trong việc giải quyết tranh chấp ở biển Đông, Thủ tướng khẳng định hòa bình, ổn định và an ninh của tuyến hàng không và hàng hải huyết mạch ở biển Đông là lợi ích chung của tất cả các nước trong lẫn ngoài khu vực và nguy cơ bất ổn sẽ gây thiệt hại cho cả thế giới. Từ đó, Thủ tướng nêu rõ EU cũng như Đức và các nước khác phải cùng nhau hợp tác để đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải trên biển Đông.

Sáng kiến quan trọng của VN

Tại hội nghị lần này, lãnh đạo các thành viên ASEM đã thông qua 27 sáng kiến mới. Trong đó, 3 sáng kiến của VN về “Hội thảo ASEM về quản lý bền vững nguồn nước nhằm bảo đảm an ninh lương thực”, “Tuần lễ thanh niên ASEM: Hành động mạnh mẽ hơn nhằm giải quyết thách thức về không đói nghèo” và “Hội nghị về kỹ năng xanh hướng tới tăng trưởng toàn diện và bền vững” được đánh giá cao và nhiều thành viên khác đã tham gia đồng bảo trợ.

Các thành viên ASEM cũng chia sẻ đánh giá về tình hình phức tạp tại Trung Đông - Bắc Phi, bán đảo Triều Tiên và những diễn biến mới tác động đến môi trường an ninh tại châu Á, trong đó có biển Đông và Hoa Đông. Các bên khẳng định cam kết cùng nỗ lực bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, tự do thương mại, đề cao nguyên tắc kiềm chế không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở và luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.

Hội nghị đặc biệt đánh giá cao vai trò của ASEAN trong thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin và hợp tác vì hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng ở châu Á - Thái Bình Dương và thế giới. Các nhà lãnh đạo hoan nghênh và ủng hộ những nỗ lực của ASEAN thúc đẩy liên kết khu vực cũng như trong thúc đẩy quan hệ với các đối tác bên ngoài, trong đó có EU. Nỗ lực này được thể hiện sinh động qua Cuộc họp cấp cao không chính thức ASEAN - EU lần đầu tiên bên lề ASEM 10. Cuộc họp do VN, nước điều phối quan hệ ASEAN - EU và EU đồng chủ trì. Các bên đã kiểm điểm quá trình hợp tác ASEAN - EU trong thời gian qua và nhất trí tiếp tục nhằm nâng tầm và thúc đẩy quan hệ đối thoại ASEAN - EU đồng thời trao đổi về tình hình khu vực và thế giới cùng quan tâm, bao gồm tình hình biển Đông. 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp song phương các lãnh đạo châu Âu

Tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ tham dự Hội nghị cấp cao ASEM 10 tại Milan (Ý), Bộ Ngoại giao cho biết Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gặp song phương với Tổng thống Pháp Francois Hollande vào chiều 16.10 (giờ địa phương).

Hai bên thống nhất các biện pháp cụ thể, tạo xung lực mới cho quan hệ đối tác chiến lược trên nhiều lĩnh vực hợp tác. Trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Thủ tướng Ý Matteo Renzi, hiện là Chủ tịch luân phiên EU và Chủ tịch ASEM 10, hai bên nhất trí phối hợp tổ chức tốt cuộc họp lần thứ nhất Ủy ban Hỗn hợp VN - Ý về hợp tác kinh tế và Đối thoại chiến lược cấp Thứ trưởng Quốc phòng vào tháng 11.2014 tại Hà Nội. Ý khẳng định tiếp tục ủng hộ việc tăng cường quan hệ giữa VN và EU, trong đó có việc thúc đẩy EU sớm phê chuẩn Hiệp định Đối tác Hợp tác (PCA), ủng hộ VN sớm được EU công nhận quy chế kinh tế thị trường đầy đủ cùng thời điểm kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do VN - EU.

Về vấn đề biển Đông, Tổng thống Francois Hollande và Thủ tướng Matteo Renzi đều bày tỏ nhất trí về tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, và phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có bảo đảm hòa bình, an ninh an toàn và tự do hàng hải, giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại và các biện pháp hòa bình trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước luật Biển LHQ năm 1982.

Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có một loạt các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo các nước Thụy Điển, Ireland, Phần Lan, Kazakhstan, Hà Lan, Slovenia, Úc và Hungary. Trong sáng 17.10 (giờ địa phương), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục gặp gỡ các lãnh đạo Thụy Sĩ, Luxembourg và Ba Lan.

Nguồn TNO

  • Từ khóa
11896

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu