Thứ 6, 19/04/2024 13:44:23 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 06:52, 05/07/2015 GMT+7

Mối tình đẹp đi cùng năm tháng

Chủ nhật, 05/07/2015 | 06:52:00 111 lượt xem
BP - Trong những năm chống Mỹ cứu nước, đã có biết bao chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi xung phong ra trận tuyến, tình cờ gặp nhau để rồi thầm thương trộm nhớ và dệt nên những mối tình đẹp. Nhờ sức mạnh của tình yêu mà họ có thêm động lực chiến đấu cho ngày độc lập, thống nhất đất nước để được hạnh phúc bên nhau. Mối tình của vợ chồng ông Nguyễn Thanh Việt và bà Lê Thị Chén ở ấp 1A, xã Tiến Thành (Đồng Xoài) là tiêu biểu trong số đó.

Bá Chén khoe với chúng tôi bằng giọng tự hào, hạnh phúc: Vợ chồng tôi có chắt ngoại rồi đấy! Rồi bà kể về mối tình đẹp của mình trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Đó là sự cảm mến của chàng y tá 24 tuổi, trực tiếp chữa trị vết thương trong 29 ngày đêm cho cô thanh niên xung phong xinh xắn quê Triệu Sơn (Thanh Hóa) Lê Thị Chén khi đó mới 21 tuổi. Chỉ trong thời gian ngắn ngủi đó, nhưng họ đã thấy cuộc đời mỗi người rất cần có nhau.

TÌNH YÊU NẢY NỞ TRONG BOM ĐẠN

Năm 20 tuổi, cũng như bao thanh niên khác trong làng, bà Chén mang sức trẻ, sự nhiệt huyết xông pha ra chiến trường. “Tôi là thanh niên xung phong làm việc trên các tuyến đường kéo dài từ Nghệ An đến Quảng Bình. Đơn vị chúng tôi làm nhiệm vụ san đường, lấp hố bom. Địch phá ban ngày chúng tôi làm ban đêm, pháo sáng bay ngang đầu, bom đạn dội liên tục nhưng không hiểu sao ngày đó chẳng ai sợ chết, vừa làm vừa hát át cả tiếng bom. Dù gian khổ nhưng đồng chí, đồng đội luôn đoàn kết, sát cánh vượt qua. Chứng kiến đồng đội hy sinh, người tìm thấy xác, có người mãi nằm lại nơi chiến trường là điều tôi không bao giờ quên”. Kể đến đây, mắt bà Chén hoe đỏ.

Xung phong vào bộ đội, ông Việt được chọn đào tạo ngành y tá và cơ động cho Bộ tư lệnh Phòng không - không quân. Gặp bà Chén là thời điểm đơn vị ông đóng quân ở Nghệ An. “Lúc bấy giờ, chúng tôi đến với nhau, dành tình cảm cho nhau bằng sự cảm nhận, quý mến chứ đâu định nghĩa yêu là gì. Tình cảm mộc mạc đến mức chỉ nhìn nhau và nhận ra trong lòng đã có hình bóng người kia” - ông Việt chia sẻ.

Niềm vui tuổi già của ông bà là thấy các con trưởng thành và được sum vầy cùng con cháu

Hết gần một tháng điều trị, bà Chén trở lại đơn vị. Ông bà liên lạc với nhau qua thư. Mối tình đẹp đã tiếp sức mạnh cho cô thanh niên xung phong thêm hăng say với công việc. Càng nhớ nhung, mong mỏi họ lại càng phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ và thầm hứa với lòng mình, gắng sống, chiến đấu để nước nhà độc lập còn gặp lại nhau. 22 tuổi, cô thanh niên xung phong Lê Thị Chén vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Cũng thời gian này, ông Việt được đưa ra Hà Nội đào tạo y sĩ. Một năm sau (1968), ông cũng được kết nạp Đảng.

Do đơn vị cơ động và sự ác liệt của bom đạn chiến tranh, có thời điểm hai người bặt tin nhau cả năm ròng. Họ gặp lại nhau trong vài ngày về phép rồi lại tiếp tục gửi yêu thương qua những cánh thư. Đó là cầu nối để họ trao nhau tình cảm thương nhớ, động viên nhau vượt qua gian khổ chờ ngày đất nước thống nhất. Mãi đến năm 1970, hai người mới nên duyên chồng vợ.

CẢ NHÀ LÀ ĐẢNG VIÊN

Năm 1974, vợ chồng ông Việt đoàn tụ tại thủ đô Hà Nội. 4 năm sau, họ về Thanh Hóa sinh sống do ông Việt chuyển công tác về Bệnh viện Triệu Sơn và đến năm 1991 thì ông nghỉ hưu. Cuộc sống đời thường bộn bề khó khăn, năm 2003 gia đình ông bà chuyển vào Bình Phước sinh sống. Sống mẫu mực, gần gũi nên ông Việt luôn được người dân ở xã Tiến Thành tin tưởng, quý mến. Một năm sau, ông được tín nhiệm bầu làm Trưởng ban Công tác mặt trận ấp 4, xã Tiến Thành. 2 năm sau, ông được bầu giữ chức vụ Bí thư Chi bộ ấp 4 cho đến nay; đồng thời là đại biểu HĐND xã 3 khóa.

Từ việc làm cổng chào vào ấp bằng tre nứa những ngày còn khó khăn đến vận động người dân góp tiền bê tông hóa đã được các ấp khác trong xã thấy hay mà làm theo. Ông còn trực tiếp đến nhà dân vận động treo cờ Tổ quốc kêu gọi tổ chức, cá nhân hảo tâm giúp đỡ người nghèo các dịp lễ, tết. Tuy ấp có nhiều thành phần dân tộc anh em cùng sinh sống nhưng đời sống người dân luôn được cải thiện qua các năm, an ninh trật tự đảm bảo trong đó có sự góp sức không nhỏ của Bí thư chi bộ Nguyễn Thanh Việt. Năm 2006, ấp có 18 hộ nghèo thì nay đã không còn hộ nào. Hiện ấp còn 10 hộ cận nghèo, ông đã cùng ban ấp lên kế hoạch giúp đỡ nâng mức sống lên trung bình vào cuối năm nay. Đặc biệt, ông đảm nhận luôn vai trò “phát thanh viên” của ấp nên mọi thông tin thời sự đều được ông cập nhật và truyền đạt ngay đến người dân qua loa truyền thanh đặt tại nhà văn hóa.

Bà Chén cũng hăng hái không kém. Hiện bà là Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Tiến Thành. 70 tuổi đời, hơn 40 năm tuổi đảng, bà Chén vẫn nhiệt tình, năng nổ với các phong trào. “Muốn làm tốt công tác xã hội thì trước hết bản thân và gia đình phải gương mẫu, hòa thuận, biết quan tâm giúp đỡ những người xung quanh, có trách nhiệm với xã hội. Có vậy mọi người mới quý mến, tin cậy, làm việc gì cũng thành công” - bà Chén chia sẻ.

Hội Người cao tuổi xã Tiến Thành hiện có 421 hội viên. Hàng năm, hội đều phát động phong trào xây dựng quỹ giúp nhau xóa nghèo. Đến nay, quỹ hội đã có 220 triệu đồng, cho 30 hội viên vay phát triển kinh tế với lãi suất như ngân hàng. Hội viên khá, giàu cũng nhận giúp đỡ hộ nghèo. Nhờ đó mà trong hội chỉ còn 5 hội viên nghèo. Đặc biệt, với phương châm “sống vui, sống khỏe, sống có ích”, qua việc nâng cao đời sống tinh thần cho hội viên, hội đã duy trì tốt câu lạc bộ thể dục dưỡng sinh, văn nghệ và thường xuyên tham gia hội thi các cấp, đạt giải cao.

Hạnh phúc lớn hơn với ông bà là các con đã trưởng thành, có việc làm ổn định. Ông bà có 3 con đều đã lập gia đình thì có tới 5 người là đảng viên (người con dâu còn lại đang được xem xét kết nạp), hai cháu ngoại của ông bà cũng là đảng viên.

Ngân Hà

  • Từ khóa
51830

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu