Thứ 7, 20/04/2024 12:26:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 07:58, 01/08/2018 GMT+7

Mối nguy hại từ “rác” điện tử

Thứ 4, 01/08/2018 | 07:58:00 112 lượt xem

BP - Ngày 29-7-2018, đội đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Hoa Lư (Lộc Ninh) phối hợp với Đoàn 3, cục Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng bắt vụ vận chuyển trái phép hàng điện tử đã qua sử dụng từ Campuchia về Việt Nam. Cả 2 xe tải chở các loại linh kiện gồm: máy lạnh, máy giặt, nồi cơm điện, máy lọc không khí đã qua sử dụng với số lượng lớn. Trong tháng 4-2017, cũng tại khu vực biên giới do đồn biên phòng Hoa Lư quản lý đã bắt giữ 1 ôtô tải hiệu Hyundai (biển số giả) chở hàng điện tử, điện lạnh trái phép có trọng lượng khoảng 10 tấn. Đây là những loại hàng hóa thuộc dạng “rác” điện tử vận chuyển trái phép theo đường bộ vào nước ta. Ngoài ra, bằng đường biển hiện có gần 28.000 container “rác ngoại” đang tồn đọng ở cảng biển của Việt Nam. “Rác” điện tử đã trở thành vấn nạn rất đáng lo ngại, nếu không quản lý tốt thì nước ta sẽ trở thành bãi chứa rác khổng lồ của thế giới.

Luật pháp nước ta quy định cấm nhập khẩu hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng. Danh mục các loại cụ thể ban hành kèm theo Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20-11-2013 của Chính phủ. Đặc biệt, ngày 18-5-2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 24/2018/QĐ-TTg về danh mục và lộ trình phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng phải loại bỏ. Theo đó, từ ngày 10-7-2018, không cho phép nhập khẩu và sản xuất - kinh doanh các thiết bị có mức hiệu suất năng lượng không đáp ứng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu trong tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) như: máy lạnh, tủ kết đông lạnh; máy điều hòa không khí không ống gió; máy giặt gia dụng... Không cho phép nhập khẩu, sản xuất - kinh doanh sau 2 năm kể từ ngày 10-7-2018 đối với các thiết bị có mức hiệu suất năng lượng không đáp ứng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu trong TCVN...

Không chỉ “rác” đưa từ nước ngoài vào mà với sự xuất hiện ngày càng nhiều thiết bị điện tử trên thị trường thì lượng rác thải nội địa cũng đang tăng lên. Theo số liệu của Bộ Khoa học và Công nghệ, trung bình mỗi năm, lượng rác thải điện tử ở Việt Nam khoảng 90.000 tấn, chủ yếu phát sinh từ hộ gia đình. Các chuyên gia kinh tế và môi trường rất lo lắng trước tình trạng rác điện tử ngày càng nhiều. Bởi lẽ, rác thải điện tử, bao gồm bất kỳ sản phẩm nào có dùng pin và dây dẫn điện thường chứa các vật liệu độc hại cho con người và môi trường. Với sự phát triển của công nghệ mạnh mẽ như hiện nay thì rác điện tử đang có tốc độ tăng nhanh gấp 3 lần so với các loại rác thải khác. Theo các nhà khoa học, hóa chất độc hại là nguyên liệu cần thiết cho thiết bị điện tử nhưng chính nó lại ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người lao động, cộng đồng và môi trường. Công nhân làm việc trong ngành điện tử phải tiếp xúc với các mối nguy hại từ axít trong quá trình ăn mòn, làm sạch thiết bị; khí độc, tia cực tím, phóng xạ... Tổ chức Lao động thế giới thống kê được mỗi năm có 160 triệu người mắc các bệnh từ nghề sản xuất điện tử và có khoảng 438.000 người chết do hóa chất nguy hiểm gây ra.

Theo các chuyên gia kinh tế và môi trường, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thời gian qua rác điện tử tràn vào Việt Nam tăng cao là do việc thực hiện pháp luật chưa nghiêm. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý chưa tốt; thiếu nguồn nhân lực và năng lực để kiểm soát tại các khu vực biên giới, cảng vụ và các cửa khẩu. Cùng với đó, vì lòng tham, vì lợi nhuận một số doanh nghiệp trong nước đã biến các cảng biển của Việt Nam thành bãi rác thải.

 Hà Thanh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu