Thứ 3, 19/03/2024 15:18:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:05, 09/06/2015 GMT+7

KỶ NIỆM 50 NĂM CHIẾN THẮNG ĐỒNG XOÀI (9-6-1965 - 9-6-2015)

Dấu ấn lịch sử của tượng đài chiến thắng Đồng Xoài

Thứ 3, 09/06/2015 | 06:05:00 6,346 lượt xem

BP - Tượng đài chiến thắng Đồng Xoài là một trong những công trình có quy mô lớn của tỉnh. Với người dân Đồng Xoài, đây còn là biểu tượng tự hào về tinh thần đấu tranh anh dũng gìn giữ quê hương của cha ông. Tuy nhiên, để tượng đài mang tầm vóc lịch sử của chiến thắng “Đồng Xoài rực lửa chiến công” là cả một quá trình chuẩn bị lâu dài, chu đáo và tâm huyết. Trong niềm vui kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đồng Xoài (9-6-1965 - 9-6-2015) và đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia, xin lược ghi quá trình xây dựng tượng đài qua lời kể của ông Nguyễn Văn Thỏa (thường gọi thân mật là Bảy Thỏa), nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng công trình.

TƯỢNG ĐÀI CỦA NGUYỆN VỌNG VÀ TÂM HUYẾT

Nói đến xây dựng tượng đài chiến thắng Đồng Xoài, ông Bảy Thỏa không quên nhắc đến bà Bích Liên (Nguyễn Thị Bích Liên) khi đó là Chủ tịch UBND huyện Đồng Phú, tỉnh Sông Bé. Bà rất tâm huyết và mong muốn xây dựng tượng đài này từ những năm 1990-1991. Bởi lẽ trận đánh Đồng Xoài ngày 6-9-1965 rất nổi tiếng, tiêu diệt một sinh lực địch rất lớn. Đặc biệt góp phần làm thất bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ, ngụy. Khi đó, họa sĩ Diệp Minh Châu đã phác thảo tượng đài lấy tên là “Đồng Xoài rực lửa chiến công”. Tuy nhiên, do điều kiện lúc bấy giờ nên chưa thực hiện được.

Tượng đại chiến thắng Đồng Xoài - niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Đồng Xoài, là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao của tỉnh và thị xã- Ảnh Sỹ Hòa

Tái lập tỉnh, thể theo nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Đồng Xoài và trên cơ sở ý tưởng, tâm huyết của người đi trước, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đồng ý xây dựng tượng đài chiến thắng Đồng Xoài hoành tráng, ý nghĩa nhằm ghi lại sự kiện lịch sử có tầm vóc đó.

Ông Bảy Thỏa cho biết: “Khía cạnh nghệ thuật được khai thác tối đa chính là thần thái của các chiến sĩ ở tượng đài vừa tạo vẻ đẹp hài hòa vừa đạt các yếu tố lịch sử, thẩm mỹ và nghệ thuật. Trận đánh Đồng Xoài chỉ là nhỏ trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước nhưng các chiến sĩ luôn trong tư thế tiến công, sẵn sàng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Mặt khác, đây là thời điểm bộ đội chủ lực của ta đánh địch ở Đồng Xoài và nhiều khu vực trong chiến trường miền Nam tiêu diệt sinh lực địch lớn, xuất hiện vũ khí mới như B40, AK 47... Tất cả ý tưởng đó đều truyền tải qua tượng đài này”.

Hai bên tượng đài chính là 2 bức phù điêu lớn với các cụm hình ảnh khá sinh động. Bức phù điêu bên phải tượng đài là lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh, gồm nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và từ các miền Bắc - Trung - Nam về đây quần cư sinh sống. Những người mẹ từ miền Bắc (khăn mỏ quạ), bà mẹ Nam bộ (khăn rằn, áo bà ba) và đồng bào các dân tộc bản địa đón bộ đội như đón những đứa con đi xa về, thể hiện tình quân dân thắm thiết. Nhiều chi tiết nhỏ nhưng vô cùng đắt giá như: Đồng bào dân tộc thiểu số ở sóc Bom Bo giã gạo nuôi quân, chiếc xuồng đưa bộ đội vượt qua Sông Bé oai hùng... cũng được chuyển tải lên bức phù điêu.

Bức phù điêu phía bên trái thể hiện sự lớn mạnh không ngừng của lực lượng cách mạng, đặc biệt là bộ đội chính quy, địa phương, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến... Tất cả cho chiến trường miền Nam... và cuối cùng là khúc khải hoàn ca chiến thắng kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, hy sinh nhưng cũng vô cùng oanh liệt, vẻ vang.

Trong quần thể tượng đài, những nhà nghiên cứu, xây dựng công trình cũng không quên đặt cụm tượng thanh niên xung phong. Ở đó, 3 nhân vật đại diện là thông tin, y tá và hậu cần tiếp lương tải đạn.

TỰ HÀO LÀ DI TÍCH LỊCH SỬ QUỐC GIA

“Tôi rất vui, tự hào vì đã góp một phần nhỏ công sức làm nên một tượng đài đẹp được công chúng thừa nhận. Tôi mong muốn lãnh đạo thị xã, các sở, ngành của tỉnh tiếp tục quan tâm bổ sung tôn tạo, quản lý, bảo vệ để tượng đài ngày càng sạch - đẹp hơn, cần phải xây dựng văn bia để giáo dục cho mọi người, nhất là thanh thiếu nhi, học sinh hiểu được ý nghĩa của công trình”. - ông Bảy Thỏa chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Thỏa giải thích với tác giả về ý nghĩa các chi tiết hình ảnh tại tượng đài chiến thắng Đồng Xoài

Ngày nay, hình ảnh của tượng đài đã thành biểu tượng đầy tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Đồng Xoài. Đây còn là công viên văn hóa thu nhỏ. Buổi sáng và chiều tối, hàng trăm người đến đi bộ, tập thể dục, các cụ già tập dưỡng sinh, nghỉ ngơi thư giãn. Nhiều bạn trẻ còn chọn tượng đài để chụp ảnh cưới...

Việc được công nhận và xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia đối với tượng đài chiến thắng Đồng Xoài không chỉ khẳng định tầm vóc, giá trị và ý nghĩa lịch sử to lớn mà quần thể tượng đài chiến thắng Đồng Xoài còn có nhiệm vụ vẻ vang hơn là đưa các giá trị tinh thần phi vật thể trở thành các biểu tượng bằng vật thể. Để chiến thắng Đồng Xoài mãi mãi trường tồn theo thời gian.

Ai về Sông Bé - Phước Long

Còn nghe vang dội chiến công Đồng Xoài.

Kim Phụng

  • Từ khóa
13256

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu