Thứ 4, 17/04/2024 00:45:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 08:40, 06/07/2019 GMT+7

Mít ngọt có thành “đắng”?

Thứ 7, 06/07/2019 | 08:40:00 3,852 lượt xem
BP - Vụ trồng mới năm 2019, cùng với sầu riêng, bưởi da xanh và bơ thì mít Thái siêu sớm đang được nông dân Bình Phước trồng phổ biến. Hộ ít thì vài chục cây, hợp tác xã (HTX) trồng cả vài chục héc ta. Người ít đất trồng dày, nhiều đất thì trồng theo quy cách. Có hộ cưa cao su, điều để trồng mít. Có hộ trồng cả trên đất trồng lúa, đồi dốc. Thực trạng nông dân trồng mít ồ ạt đang tạo ra nguy cơ cung vượt cầu, liệu trái mít ngọt có thành mít “đắng”?

Nhà nhà trồng mít

Ông Lê Văn Tám ở thôn 8, xã Bình Minh (Bù Đăng) vừa cắt 6 ha cao su trồng thay thế 4 loại cây gồm điều, sầu riêng, chôm chôm và mít Thái siêu sớm. Có 3 loại cây được trồng xen ghép, riêng mít Thái siêu sớm trồng 2 ha. Ông Tám khá hài lòng về mô hình chuyển đổi cây trồng của mình, đặc biệt đối với mít Thái vì cho rằng, loại cây này sẽ tạo ra “cú hích” về kinh tế cho gia đình. Ông Tám nhẩm tính nhanh bài toán kinh tế về cây mít Thái: Vụ năm 2018, giá mít Thái tại Bình Phước lên tới 60 ngàn đồng/kg. Chỉ tính ít nhất mỗi cây để 1 trái, mỗi trái nặng 10kg thì 1 cây thu 600 ngàn đồng; 1 ha trồng 1.000 cây sẽ thu 600 triệu đồng/vụ; mỗi cây để 2 trái sẽ thu 1,2 tỷ đồng/vụ. Trong khi 1 năm thu chính vụ mùa khô, còn lại thu rải rác quanh năm. Trồng mít Thái mang lại hiệu quả kinh tế không kém gì sầu riêng và cao hơn cây điều gấp nhiều lần. Với cách tính này, đầu tháng 5-2019, ông Tám về Vĩnh Long tham quan các vườn mít hiệu quả, nghe tư vấn và quyết định trồng 2.000 cây mít Thái/2 ha. Hiện cây mít phát triển tốt. Ông Tám cho biết thêm: “Gia đình tôi từ tỉnh Vĩnh Long lên Bù Đăng lập nghiệp từ năm 1997 và đã trồng 150 cây mít. Thời điểm đó, thị trường tiêu thụ mít không nhiều nên chỉ để ăn, sau đó tôi cưa đi trồng cây khác. Hy vọng, với thị trường mở như hiện nay, người trồng mít Thái có thể yên tâm hơn”.

Gia đình ông Trần Minh Chánh (trái) ở ấp 6, xã Lộc Hòa là một trong những hộ đi đầu ở huyện Lộc Ninh trồng cây mít Thái. Đến nay, gia đình ông đã trồng 15 ha mít Thái - Ảnh: Hoàng Thu

Nhà nước sẽ hỗ trợ thành lập HTX, hình thành vùng nguyên liệu tập trung và mời gọi các doanh nghiệp liên kết, đồng thời hỗ trợ chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng theo VietGAP và các tiêu chuẩn quốc tế. Xây dựng mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc để đảm bảo sản xuất an toàn theo hướng hàng hóa phục vụ chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Mặt khác, nông dân cần thay đổi căn bản về tư duy để sản xuất ra những sản phẩm đạt chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường.

Lê Thị Ánh TuyếT, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết

Cũng kỳ vọng vào tương lai cây mít Thái, nhiều nông dân tại huyện Bù Đăng trồng một cách ồ ạt. Thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Đăng đến tháng 6-2019 cho biết, toàn huyện có khoảng 100 ha mít. Trong đó, tập trung nhiều nhất tại các xã Đức Liễu, Thống Nhất, Nghĩa Trung, Đăng Hà. Cá biệt, một số hộ trồng cả ở diện tích trồng lúa, có hộ trồng trên đồi cao, dốc. Để có nước tưới, chủ vườn khoan giếng, đào hố, lót bạt trữ nước.

Giá mít Thái siêu sớm tăng cao tiếp tục tạo hiệu ứng trồng ồ ạt ở hầu hết các huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Đầu tháng 7-2019, tại huyện Đồng Phú có 81 ha trồng mít Thái, tăng 11 ha so năm 2018. Tại các xã Tân Hòa, Tân Hưng, Tân Lợi (Đồng Phú), tuy số hộ trồng diện tích lớn không nhiều, nhưng từ 0,5-2 ha/hộ lại khá phổ biến. Đơn cử tại ấp Đồng Chắc, xã Tân Hòa, các hộ Triệu Văn Long, Bế Văn Thái và Mạc Văn Khanh mỗi hộ vừa trồng thêm 1 ha mít Thái siêu sớm. Tại 2 huyện Lộc Ninh và Bù Đốp, diện tích mít cũng tăng nhanh, trong đó có hộ trồng với diện tích lớn như ông Trần Minh Chánh, ấp 6, xã Lộc Hòa (Lộc Ninh) 15 ha; HTX Thương mại dịch vụ Phước Thiện (Bù Đốp) trồng 160 ha.

khuyến cáo của ngành chức năng

Theo thống kê chưa đầy đủ từ ngành nông nghiệp Bình Phước, hiện tổng diện tích mít Thái toàn tỉnh khoảng 660 ha. Con số này đang tăng từng ngày bởi hiện mới là đầu mùa mưa, nông dân có thói quen trồng theo số đông, dẫn đến nhiều rủi ro, nguy cơ. Ông Nguyễn Viết Vị, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ Phước Thiện cho biết: Mít Thái siêu sớm thường mắc các bệnh như: đen xơ, múi, nứt trái, mùa mưa mít nhạt, chất lượng giảm, đặc biệt là khi bị ong vàng chích sẽ gây thối trái. Cây thường mắc bệnh xì mủ ở thân, cành ảnh hưởng tới tuổi thọ rất lớn, chữa trị lâu khỏi, sức đề kháng yếu, mau chết. Thương lái mua mít Thái siêu sớm phải kiểm tra chất lượng từng trái, xuất ra thị trường chủ yếu là ăn tươi (không sấy khô như các loại mít khác), do vậy sẽ gặp khó khăn trong khâu bảo quản. Điều đáng lo ngại là thị trường tiêu thụ lớn nhất loại nông sản này là Trung Quốc. Đây là thị trường luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chỉ cần sản phẩm bị lỗi sẽ bị ép giảm giá, thậm chí không mua. Hoặc khi số lượng cung vượt cầu, người nông dân sẽ gặp bất lợi. Việc người dân đổ xô trồng mít Thái sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ và những hệ lụy.

Ông Bế Văn Thái ở ấp Đồng Chắc, xã Tân Hòa (Đồng Phú) trồng 1 ha mít Thái siêu sớm hồi tháng 5-2019

Trước tình hình nhà nông trồng mít ồ ạt như hiện nay, ngày 14-5-2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Công văn số 641/SNN-VP về việc chỉ đạo sản xuất cây mít. Theo đó, ngành khuyến cáo nông dân trồng mít Thái phải: Lựa chọn vùng đất canh tác phù hợp đặc tính sinh thái của cây mít, có hệ thống giao thông, thủy lợi thuận lợi, không bị úng vào mùa mưa, có khả năng tưới nước vào mùa khô và phù hợp quy hoạch cây ăn trái của tỉnh. Hạn chế tối đa tình trạng phát triển nhiều tại các vùng không phù hợp, không có điều kiện đầu tư thâm canh dẫn đến nguy cơ phát sinh lây lan dịch bệnh. Nông dân chỉ trồng mới số lượng nhiều khi có hợp đồng với doanh nghiệp thu mua, bao tiêu sản phẩm gắn với chế biến theo chuỗi giá trị. Trong sản xuất phải tuân thủ quy trình kỹ thuật từ chăm sóc đến thu hoạch; chọn giống phải có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng, sạch bệnh và có tên trong danh mục được phép kinh doanh tại Việt Nam hoặc nguồn giống từ cây đầu dòng được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép.

Quang Minh

  • Từ khóa
44651

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu