Thứ 6, 19/04/2024 22:07:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 13:24, 19/07/2018 GMT+7

Minh Mạng trị quan tham

Thứ 5, 19/07/2018 | 13:24:00 671 lượt xem

BP - Minh Mạng hay còn gọi là Minh Mệnh, là vị hoàng đế thứ hai của vương triều nhà Nguyễn. Ông trị vì từ năm 1820 đến khi qua đời, được truy tôn miếu hiệu là Nguyễn Thánh Tổ. Trong 21 năm trị nước, Minh Mạng ban bố hàng loạt cải cách về nội trị. Ông đổi tên nước Việt Nam thành Đại Nam, lập thêm Nội các và Cơ mật viện ở Huế, bãi bỏ chức tổng trấn Bắc thành và Gia Định thành, đổi trấn thành tỉnh, củng cố chế độ lưu quan ở miền núi. Quân đội cũng được xây dựng hùng mạnh.

Minh Mạng còn cử quan đôn đốc khai hoang ở ven biển Bắc kỳ và Nam kỳ. Ngoài ra, ông rất quan tâm đến việc duy trì nền khoa cử Nho giáo. Năm 1822, ông mở lại các kỳ thi hội, thi đình ở kinh đô để tuyển chọn nhân tài. Ông nghiêm cấm truyền bá đạo Cơ Đốc vì cho rằng đó là tà đạo làm băng hoại truyền thống dân tộc. Về đối ngoại, Minh Mạng không đưa ra cải cách nào, ông tiếp tục duy trì chính sách của Gia Long: Tự cô lập, khước từ mọi giao lưu với phương Tây, cấm người dân buôn bán với ngoại quốc, khiến Đại Nam dần tụt hậu do không tiếp thu được các thành tựu mới về khoa học - kỹ thuật.

Minh họa: S.H

Trong việc dùng người, Minh Mạng chú trọng cả tài, đức và đặc biệt là học vấn. Ông cho rằng người không học thì không rõ pháp luật, lỡ khi xử đoán sai thì pháp luật khó dung, như thế sẽ làm hại dân. Việc dùng người không ngoài mục đích muốn yên dân. Muốn yên dân thì quan phủ huyện không được phiền nhiễu dân, tham nhũng. Vì vậy, nhà vua đã nghiêm trị nhiều viên quan tham nhũng. Vua Minh Mạng chủ trương “giết một người để muôn người sợ mà tránh” trong việc trị tội quan tham.

Sách “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” có đoạn ghi chép rằng, dưới triều Nguyễn, quan lại nhận hối lộ dù chỉ một lạng (10 đồng) cũng bị cách chức không được bổ dụng. Người môi giới bị xử tội nhẹ hơn người nhận hối lộ một bậc. Việc định tội căn cứ số tiền tang vật. Dưới thời vua Minh Mạng, những viên quan sách nhiễu, nhận hối lộ bị trị tội rất nặng, có khi vượt qua cả khung hình phạt pháp luật. Theo sách “Đại Nam thực lục” ghi chép, năm 1826, Trần Công Trung làm việc ở kho Phủ Nội Vụ vì “gây khó dễ” để vòi tiền nên bị giao cho bộ Hình tra xét. Án được tâu lên, vua Minh Mạng tuyên dụ: Vụ án Đăng Văn Khuê năm 1822, đã theo luật nghiêm trị, thế mà bọn Trung còn dám công nhiên làm bậy, không kiêng sợ gì, tuy tang vật không quá 10 lạng, nhưng nếu nhu nhơ để sống một mạng thì e sau này những kẻ khinh nhờn pháp luật sẽ nhiều ra. Và theo lệnh vua, Trần Công Trung bị xử chém ở chợ Đông.

Năm 1836, Thủ ngự thủ sở An Thái (Vĩnh Long) là Lê Văn Nhuận nhận hối lộ của các lái buôn nhà Thanh và tiếp tay chở gạo lậu ra biển. Chuyện bị phát giác, Lê Văn Nhuận bị vua Minh Mạng nghiêm trị. Năm thứ 21 dưới triều vua Tự Đức, Điển ty vệ Trung bảo nhất Nguyễn Du đã bị xử chém ngay sau khi được xác định đã sách nhiễu nhận hối lộ 17 khoản, tang vật là 184 quan tiền. Nhằm răn đe các quan, vua Tự Đức còn ra dụ yêu cầu xử nặng với án “nhũng nhiễu” hay với “viên dịch sâu mọt”.

Vụ án sách nhiễu nhận hối lộ của Thông lại huyện Quảng Điền, phủ Thừa Thiên là một trong những vụ án triều Nguyễn xử lý nghiêm điển hình. Theo sách “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” ghi chép, năm Kiến Phúc thứ nhất (1884), Thông lại huyện Quảng Điền là Lê Diệu mượn cớ mua bán thóc của triều đình để lấy tiền hối lộ của dân. Chánh tổng Long, Phó tổng Tiêm, lính lệ Sơn cũng theo hùa mà thông đồng. Chuyện bị phát hiện, chiếu theo luật thời vua Minh Mạng, Lê Diệu bị trảm quyết, đem thủ cấp đi rao 6 huyện để răn đe. Sau đó, triều đình cũng điều tra ra nhiều vị quan, hoàng thân quốc thích có liên quan đến việc nhận hối lộ trong vụ án Lê Diệu nên xử phạt, trong đó Phủ thừa Đinh Viết Tân bị cách chức, Phủ doãn Nguyễn Liên bị giáng xuống 4 cấp, Tham biện Đặng Huy Cát bị giáng xuống 3 cấp, Thương biện Thân Trọng Dy bị giáng 2 cấp và điều đi nơi khác.

Lời bàn:

Minh Mạng là vị vua rất quan tâm tạo lập một nền cai trị kết hợp giữa lễ trị và pháp trị. Đối với ông, mọi người từ hoàng thân quốc thích đến thứ dân, binh lính đều bình đẳng trước pháp luật; luôn thưởng phạt nghiêm minh. Người nào tham ô của công cho dù làm quan với chức vụ cao đều bị nhà vua xử lý rất nặng, có khi vượt khỏi khung quy định của pháp luật. Ông quan niệm rằng, để giữ yên xã tắc thì phải nghiêm trị quan tham. Nhà vua thường đưa ra những hình phạt rất nặng đối với quan lại có hành vi đục khoét của công. Chính nhờ những biện pháp mạnh tay và cực kỳ nghiêm khắc này, vua Minh Mạng đã phần nào làm nhụt chí bọn “sâu mọt”, giúp Đại Nam trở thành quốc gia rộng lớn và hùng mạnh, các nước lân bang đều phải kiêng nể.

Tham nhũng là hiện tượng xã hội tiêu cực tồn tại ở mọi thời đại và ở tất cả quốc gia trên thế giới. Tham nhũng gây thiệt hại nghiêm trọng đến các nguồn lực công, xâm hại đến hoạt động đúng đắn của bộ máy nhà nước, làm sai lệch công lý, công bằng xã hội, làm suy giảm niềm tin, cản trở các nỗ lực giảm nghèo và phát triển đất nước, xã hội. Chính vì thế, tư tưởng về việc xử phạt quan tham, nhận hối lộ của vua Minh Mạng là bài học kinh nghiệm sâu sắc đối với hậu thế hiện nay, nhất là trong việc xây dựng luật pháp về phòng chống tham nhũng, về việc bổ nhiệm cán bộ, về vai trò làm gương của những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

ND

  • Từ khóa
110066

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu