Thứ 6, 19/04/2024 08:58:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 16:00, 20/11/2016 GMT+7

HƯỚNG TỚI 20 NĂM NGÀY TÁI LẬP TỈNH

Minh Hưng “chuyển mình” từ xây dựng nông thôn mới

Chủ nhật, 20/11/2016 | 16:00:00 2,201 lượt xem
BP - Những năm đầu tái lập tỉnh, Minh Hưng (Bù Đăng) là xã nghèo, cơ sở hạ tầng yếu kém, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước cùng nỗ lực của người dân trong phát triển kinh tế - xã hội, Minh Hưng đã từng bước đổi thay mạnh mẽ và phấn đấu trở thành xã nông thôn mới (NTM) đầu tiên của huyện vào cuối năm 2016.

Ngã ba Minh Hưng ngày nay trở thành trung tâm thương mại, thu hút đông người dân đến trao đổi mua bánNgã ba Minh Hưng ngày nay trở thành trung tâm thương mại, thu hút đông người dân đến trao đổi mua bán

Diện tích tự nhiên của xã Minh Hưng có hơn 6.000 ha với 2.296 hộ/10.191 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 18%. Xã có 8 thôn và dân cư phần lớn sống tập trung 2 bên quốc lộ 14.

Đổi thay vượt bậc

Bí thư Đảng ủy xã Minh Hưng Bùi Hồng Thanh cho biết: Năm 1997, khi tách tỉnh cơ sở hạ tầng ở đây hầu như chưa được đầu tư xây dựng. Hệ thống giao thông chỉ là đường đất lầy lội, bụi mù, kể cả quốc lộ 14. Các trường học chủ yếu là nhà tranh tre dột nát; trạm y tế, chợ, hệ thống điện lưới quốc gia, nhà văn hóa chưa hình thành; các loại hình dịch vụ chưa phát triển... Dân cư sống thưa với hơn 90% sản xuất nông nghiệp, trong đó phần lớn sống phụ thuộc vào cây điều với lối canh tác lạc hậu nên năng suất, chất lượng thấp. Đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, đại đa số là hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 2 triệu đồng/năm.

Đến Minh Hưng vào thời điểm này ai cũng thấy được sự chuyển mình rõ rệt, đổi mới toàn diện so với trước. Hầu hết tuyến đường đất nay đã đổ nhựa, bê tông hoặc cứng hóa, trong đó nhiều tuyến đã có đèn thắp sáng. Đặc biệt, trên các tuyến đường đều không có rác thải, cỏ dại bởi ý thức của người dân được nâng cao. Phần lớn trường học được đầu tư xây dựng kiên cố khang trang, sạch đẹp, đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn. Hệ thống cơ sở hạ tầng như chợ, trạm y tế, điện lưới, thủy lợi... cũng được đầu tư xây dựng đạt chuẩn. 8/8 thôn có nhà văn hóa, trong đó 7 thôn đạt danh hiệu văn hóa, 4 thôn đạt chuẩn văn hóa 5 năm liên tục. Thành phần kinh tế cá thể và doanh nghiệp tư nhân ngày càng phát triển, mở rộng; đa dạng các loại hình dịch vụ, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng, hưởng thụ của người dân. Cơ cấu thành phần kinh tế chuyển dịch đúng hướng, trong đó công nghiệp - dịch vụ tăng 49%, nông nghiệp giảm còn 51%. Trong nông nghiệp, hầu hết hộ dân đều biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, trồng xen canh tăng gấp đôi năng suất trên cùng đơn vị diện tích.

Xã có hàng chục doanh nghiệp sản xuất, chế biến điều và Nông trường cao su Minh Hưng đứng chân, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho 1.500 lao động tại địa bàn. Hiện tỷ lệ lao động có việc làm của xã nâng lên 91%; hộ nghèo giảm còn 58 hộ (theo tiêu chí mới), thu nhập bình quân đầu người đạt gần 40 triệu đồng/năm. Ngã ba Minh Hưng ngày nay trở thành trung tâm thương mại, không chỉ thu hút người dân trong xã mà còn là nơi tập trung trao đổi hàng hóa, học tập, vui chơi giải trí của người dân các xã lân cận.

...nhờ xây dựng nông thôn mới

Có được những kết quả đáng mừng đó chính là nhờ xã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong huy động sức dân xây dựng NTM. Nhằm nâng cao đời sống người dân, xã khai thác triệt để các tiềm năng, thế mạnh phát triển sản xuất hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, trước hết là khâu chọn giống, thâm canh, phòng trừ dịch bệnh nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả các loại sản phẩm. Xã có gần 1.000 ha điều thì phần lớn được người dân trồng xen cà phê, ca cao, cây ăn trái. Một số vườn điều già được ghép cải tạo năng suất đạt 5 tấn/ha... Để hoàn thành các tiêu chí NTM, ngoài tranh thủ sự hỗ trợ, đầu tư của nhà nước thì cấp ủy, chính quyền xã tăng cường vận động, tuyên truyền nhân dân hiểu rõ vai trò, lợi ích, nghĩa vụ của mình trong xây dựng cơ sở hạ tầng, từ đó phát huy tối đa sức mạnh tổng lực của dân.

Bí thư Đảng ủy xã Bùi Hồng Thanh cho rằng, trong các tiêu chí NTM thì trường học và giao thông là khó nhất bởi cần vốn lớn. Hiện các tiêu chí này đang từng bước hoàn thiện. Xã có 4 trường học thì hai trường mầm non Minh Hưng và tiểu học Minh Hưng đã được công nhận đạt chuẩn, còn Trường THCS Minh Hưng đang hoàn tất thủ tục chờ công nhận trong năm 2016. Lợi thế của xã là dân cư sống tập trung, điều kiện kinh tế khá. Các tuyến giao thông liên tổ, liên thôn ngắn, bằng phẳng nên dễ vận động đóng góp xây dựng. Ngoài các tuyến đường nhựa nông thôn, nhân dân đóng góp 30%, nhà nước 70%, còn lại các tuyến bê tông dù tỉnh chỉ hỗ trợ xi măng nhưng nhận thấy lợi ích trước mắt nên mọi người đồng loạt hiến đất, cây trồng, ngày công, góp tiền để làm. Hiện xã đang thi công tuyến đường nhựa từ thôn 1 đi thôn 5 dài 4,2km và bê tông 2km đường tại các thôn, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Song song với việc làm đường, nhân dân còn đóng góp 500 triệu đồng lắp đặt 5km đèn đường chiếu sáng công cộng, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, giảm thiểu tai nạn giao thông. Đến nay, ngoài tiêu chí giao thông và trường học thì cơ sở vật chất văn hóa cũng đang hoàn thiện, công nhận đạt chuẩn vào cuối năm 2016.

Vũ Thuyên

  • Từ khóa
54005

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu