Thứ 7, 20/04/2024 17:34:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:55, 05/06/2018 GMT+7

Minh bạch và lập lờ

Thứ 3, 05/06/2018 | 08:55:00 91 lượt xem
BP - Ngày 2-6, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5-2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo thống nhất trong toàn quốc để “trạm thu phí”, không để “trạm thu giá” BOT giao thông. Vì sao câu chuyện tưởng chừng như nhỏ nhặt này lại phải đặt lên bàn nghị sự của phiên họp thường kỳ Chính phủ và phải tới Thủ tướng lên tiếng mới có thể kết thúc?

Những năm qua, ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, BOT đường giao thông là một hình thức đầu tư đem lại hiệu quả cao, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tại các địa phương điều kiện còn khó khăn, ngân sách eo hẹp, nguồn lực yếu, BOT giao thông trở thành giải pháp tối ưu khi huy động được đầu tư lớn từ tư nhân. Tuy nhiên, không phải tất cả các dự án đều đem lại hiệu quả như mong đợi. Phần nhiều trường hợp không đạt được kết quả như mong muốn là bởi sự phản đối của người dân và doanh nghiệp kinh doanh vận tải khi lợi ích chỉ nghiêng về nhà đầu tư, trường hợp ngược lại dự án đầu tư không hiệu quả rất ít. Đặc biệt, gần đây doanh nghiệp vận tải và người dân bất ngờ phát hiện nhiều trạm thu phí có tên gọi rất lạ: “Trạm thu giá”.

Phí là do Quốc hội, Chính phủ, HĐND cấp tỉnh quy định, còn giá là do doanh nghiệp hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ, sản phẩm đưa ra. Đơn giản như học phí, viện phí... qua thẩm định của cơ quan tài chính, Nhà nước đưa ra khung mức nhất định. Còn giá bánh kẹo, giá gạo, giá xi măng... là do đơn vị sản xuất đưa ra.

Không phải ngẫu nhiên cụm từ có vẻ như tối nghĩa “trạm thu giá” được đặt tại các trạm thu phí. Bởi đây là cách doanh nghiệp lách Luật Phí và lệ phí có hiệu lực thi hành từ ngày 2-2-2017. Doanh nghiệp gắn “trạm thu giá” nhằm trốn tránh sự quản lý của Nhà nước về mức thu, số thu... Vì giá, điều chỉnh giá trong trường hợp này do cơ quan quản lý ngành giao thông thống nhất với nhà đầu tư đưa ra. Nếu xem BOT giao thông với tư cách là một nhà đầu tư cung cấp dịch vụ, thì người dân và doanh nghiệp vận tải là khách hàng. Trong trường hợp này, thay vì phục vụ một cách tốt nhất, chủ đầu tư BOT giao thông lại chỉ muốn móc túi thượng đế của mình nhiều nhất có thể.

Không chỉ ở Việt Nam mới làm BOT giao thông. Tại các nước công nghiệp phát triển cũng có. Tuy nhiên, điểm khác biệt rất lớn giữa BOT giao thông ở nước ta với ở các nước phát triển là sự minh bạch và chất lượng phục vụ thượng đế của họ. Dự án BOT của họ, mọi thông tin về đầu tư, phí thu được, chi phí hoạt động... đều công khai, minh bạch rất rõ ràng và bất kỳ ai cũng có thể xem được qua internet hoặc qua thông báo ngay tại nơi thu phí. Vào những dịp lễ, tết, họ xả trạm miễn phí để khuyến khích người dân vui chơi, đồng thời như một lời chúc mừng và tránh ùn tắc, gây khó khăn cho giao thông. Đó cũng là cách họ cho nhân viên được nghỉ lễ, sum vầy cùng gia đình, người thân hoặc đi du lịch... Ở nước ta, những chuyện này hoàn toàn ngược lại. Thông tin về tài chính chỉ có “ông trời” mới biết được. Dịp lễ, tết, người dân đi lại nhiều là cơ hội để tận thu, có khi tăng giá, còn nhân viên thì tăng ca, làm việc cật lực...

Vẫn biết không nhà đầu tư nào lại không hướng tới lợi nhuận. Vấn đề là chọn cách làm minh bạch, công khai tất cả, các bên cùng có lợi, hay lập lờ, tranh sáng tranh tối để mưu lợi cho thật nhiều. Cách nào đem lại hiệu quả bền vững và góp phần thúc đẩy xã hội phát triển tốt hơn, có lẽ ai cũng biết và biết cả vì sao lại chọn cách này hay cách khác.

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu